Non nước Việt Nam

Làng thêu tay Quất Động (Hà Nội) làm đẹp cho đời

Cập nhật: 24/04/2009 10:24:07
Số lần đọc: 3264
Nghề thêu có ở nhiều địa phương, nhưng đạt đến trình độ tinh xảo và kỹ thuật điêu luyện thì không đâu bằng người làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín (Hà Nội).  

Theo gia phả còn lưu giữ, người có công truyền dạy nghề cho dân làng là ông Lê Công Hành, sống vào khoảng thế kỷ XVII. Từ đó, ông được tôn là tổ nghề thêu và cứ vào ngày mất của ông (12/6 hàng năm), dâng làng Quất Động lại tổ chức tế lễ rất trang trọng để tưởng nhớ công ơn vị tổ đã truyền dạy nghề thêu cho dân làng.

Xưa kia, thợ thêu Quất Động cũng như thợ thêu các nơi chỉ làm các loại nghi môn, trướng, câu đối treo ở đình, chùa và các loại khăn chầu, áo ngự của vua chúa. Kỹ thuật thêu cũng đơn giản, màu sắc cũng chưa phong phú như ngày nay (dùng 5 màu chỉ: Vàng, đỏ, tím, xanh, lục). Đầu thế kỷ XX, nghề thêu phát triển và kỹ thuật thêu ngày càng tinh tế, khéo léo hơn gồm thêu trắng, thêu màu nổi, thêu cuốn, thêu kim tuyến… Đến nay, các nghệ nhân của làng có thể thêu được rất nhiều sản phẩm khác nhau, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường; từ thêu chăn, ga, gối, đệm, khăn trải bàn, khăn ăn… đến các sản phẩm cao cấp như: Áo thêu, tranh thêu… Những sản phẩm của Quất Động rất tinh vi và hiện đại, thu hút rất nhiều khách hàng gần xa, nhất là thị trường các nước ở châu Âu.

Người thợ thêu phải có đôi tay khéo léo

Thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt tinh tường cộng với bộ óc tinh tế và đức tính cẩn thận, cần mẫn. Nhìn những người thợ làm việc, chúng ta có cảm tưởng họ rất nhàn nhã, nhưng thực ra đó là một nghề đòi hỏi sự bền bỉ và siêng năng. Những đức tính, năng khiếu là yêu cầu cơ bản đối với mỗi thợ thêu, nhằm tạo ra sản phẩm hợp màu sắc và hoa văn trên nền lụa, vải.

Ông Tạ Văn Thường, Chủ tịch UBND xã Quất Động cho biết: Đối với nghề thêu, công phu nhất vẫn là thêu các đường lượn, đường viền, các khối hình, thêu nổi gân lá, đài hoa, mắt phượng… Người thêu phải khéo léo làm cho những sợi chỉ hòa quyện, mịn màng như một thể thống nhất, không một lỗi chân chỉ hay trái canh. Đường chỉ càng điêu luyện, mịn màng, chân chỉ càng lẩn bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị cao, nghệ thuật thẩm mỹ càng đến độ tuyệt vời.

Lao động của người thợ thêu không khác gì lao động của một nghệ sĩ dân gian, một họa sỹ tài năng. Chỉ bằng dụng cụ đơn giản, tay kim, sợi chỉ màu, hình mẫu, những tác phẩm hoàn chỉnh từ từ hiện lên mềm mại, sống động, tươi tắn và kiều diễm như thật. Một số nghệ nhân còn thêu được những tác phẩm nghệ thuật, các bức thêu truyền thần và sáng tạo những tác phẩm theo mẫu mới. Các tranh thêu: Chân dung Lê Nin trên diễn đàn, Nhà Bác Hồ ở Kim Liên, Chùa Một Cột, chân dung Bác Hồ… thể hiện đường kim, mũi chỉ điêu luyện, với những đường nét hội họa hiện đại đã để lại cho đời những tác phẩm vĩnh hằng. Sự cần cù và khéo léo của người dân Quất Động là rất đáng khâm phục.

Vất vả lắm mới có được bức thêu đẹp!

Ông Tạ Văn Sở, Phó Chủ tịch Hiệp hội thêu ren Hà Nội và cũng là người trực tiếp thiết kế các mẫu thêu tâm sự: Hàng thêu của Quất Động đã xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới như: Liên minh châu Âu, Hồng Công, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… Tuy nhiên, với ngày công từ 20.000 – 30.000 đồng/người/ngày như hiện nay, nếu không được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ thì nghề sẽ bị mai một dần. Có những bức thêu phải đầu tư mất vài ba chục, thậm chí hàng trăm ngày công, thế nhưng cuối cùng cũng chỉ bán được 500.000 – 600.000 đồng. Thêu ren là lao động nghệ thuật; khi kinh tế phát triển thì nghề thêu cũng phát triển và ngược lại.

Tranh thêu nghệ thuật truyền thống của dân tộc đã làm nên sức sống trong lòng người yêu tranh, với những bức tranh mang đậm hồn quê với cây đa, giếng nước, sân đình thơ mộng và hiền hòa. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, một làng nghề thêu tranh như Quất Động phát triển được không phải là chuyện dễ dàng. Để làm được điều đó, Quất Động đã biết cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống với hơi thở thời đại, làm hồi sinh một dòng tranh nổi tiếng, một làng nghề tưởng chừng như chỉ còn trong những câu chuyện huyền thoại.

Công lao là thế, gian truân là thế và hạnh phúc cũng là thế. Hẳn người thợ thêu Quất Động nào cũng rất tự hào khi tranh thêu Quất Động đã trở thành nét văn hóa, là món quà cao quý mang hồn sắc của quê hương. Mặc dù, đời sống của người thợ thêu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn đang từng ngày vẽ lên những khúc nhạc thơ tuyệt mỹ, làm sống dậy một nghề truyền thống lâu đời: Nghề thêu tay./.

Nguồn: VOVNEWS

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT