Người Cơtu với tục ngủ duông
Tỉnh Bình-Trị-Thiên (cũ) vào đến tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng là địa bàn cư trú lâu đời của người Cơtu hiện nay. Đến nay, người ta biết đến dân tộc Cơtu có nền văn hoá vật thể và phi vật thể rất đa dạng và phong phú là cơ sở để cho cộng đồng người Cơtu tồn tại và phát triển. Đối với họ, hôn nhân là một sự kiện quan trọng không chỉ cho gia đình, họ hàng cô dâu, chú rể mà cho cả buôn làng. Nằm trong sự kiện quan trọng đó, ở người Cơtu còn tồn tại một phong tục mà chỉ ở cư dân này mới có, đó là tục ngủ duông (lướt zướng).
Già làng Bríu Prâm - 86 tuổi dân tộc Cơtu, hiện đang sống tại thôn BHôồng xã Sông Kôn huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam; Nguyên Bí thư Huyện uỷ huyện Hiên (nay là hai huyện Đông Giang và Tây Giang) - và một số già làng dân tộc Cơtu cho biết: Trong cộng đồng người Cơtu từ xưa đến nay ở họ luôn có nền nếp trong việc giáo dục và dạy bảo con cái từ lúc mới sinh cho đến lúc trưởng thành. Ngày xưa, con trai Cơtu từ 20 đến 22 tuổi (tương đương 20 đến 22 mùa rẫy) và họ được đánh giá trưởng thành là người biết làm ăn, biết lo toan cuộc sống gia đình, biết săn bắn, biết đan gùi, đan giỏ... thì họ mới được có vợ, người con gái Cơtu từ 18 đến 20 tuổi mới được có chồng và là người biết nấu ăn, dệt vải... Chính vì thế mà từ xưa đến nay nhìn chung ở người con trai, con gái Cơtu chưa thấy ở họ phạm luật tục.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay xã hội ngày một phát triển, nhưng tại một số vùng của người Cơtu miền núi tỉnh Quảng Nam việc có chồng, có vợ của nam nữ Cơtu có thể sớm hơn nhưng luật tục Cơtu rất nghiêm khắc quy định con trai nếu có vợ không dưới 18 tuổi, con gái có chồng không dưới 16 tuổi. Nếu ai phạm luật tục thì tuỳ ở mỗi tính chất vi phạm mà bị luật tục phạt tội.
Được biết, trong cộng đồng người Cơtu, đến nay người ta biết đến ở họ có cả thảy hơn 23 dòng họ như: Alăng, Arất, Rơrâm, Bhnướch, Avô, Pơloong, Ating, Pơling, Pugol, Tơngoong, Bríu... Mỗi dòng họ đều có nguồn gốc, kèm theo sự tích dân gian gắn liền hệ động thực vật, sông, suối... kèm theo những kiêng cữ nhất định. Mặc dù có nhiều dòng họ như vậy nhưng luật tục Cơtu cũng có những quy định về mặt hôn nhân.
Trong những công việc nương rẫy, hay đi chơi ở nhà bạn bè, người thân hay vào dịp Tết đến xuân về hoặc trong những dịp lễ hội lớn của buôn làng như: Lễ ăn mừng được mùa (Bhuối Aví), lễ ăn mừng nhà GươI (Lang tơrí), lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê), lễ hội Pơ Ngoót (lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơtu với nhau)..., nam nữ Cơtu tìm đến nhau lựa chọn cho mình một người hợp lòng, ưng ý. Và để làm được việc này, họ phải đợi đến tháng 9, tháng 10, khi đã thu hoạch lúa xong, lúa được đem cất vào nhà kho, đây là thời gian để người Cơtu làm lễ ăn mừng lúa mới và là dịp để người con trai làm nhà ngủ duông. Nhà ngủ duông được làm ở nương rẫy hoặc ở bìa rừng, gọi là nhà nhưng thực chất đây là một chòi được làm bằng các vật liệu tạm bằng cây lá và nhà này được cả làng đều biết và được người Cơtu gọi là nhà ngủ duông.
Già làng B’ríu P’râm cho biết thêm: Tuỳ ở mỗi đôi nam nữ Cơtu mà có thể từ 3 đến 5 đêm hoặc hơn thế nữa để họ tự do tìm hiểu mà không phải lén lút, thầm kín... Tuy đôi nam nữ có quyền tự do tìm hiểu nhưng luật tục Cơtu cũng quy định rất rõ và rất nghiêm khắc xử lý những trường hợp quan hệ tình dục bừa bãi hoặc có thai trước khi cưới. Nếu trường hợp này xảy ra, tuỳ ở mức độ vi phạm, thường thì chàng tai bị phạt rất nặng, làng bắt người con trai đó phải giết heo có khi là trâu, bò mang từng phần đến từng gia đình trong làng để tự thú tội và chia cho cả làng cùng ăn (Lươl hơpoong a coó á oóc) đôi khi phải đền bù cho nhà gái nào là ché, chiêng, đồ trang sức quý... hoặc phải chịu nợ truyền kiếp từ đời này sang đời khác và đôi khi bị cộng đồng ruồng bỏ không ai tiếp xúc với những con người phạm tục. Sự phạt nặng này từ xa xưa đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người cho nên nam nữ Cơtu khi tiếp xúc, quan hệ tình cảm với nhau đều luôn có ý thức giữ gìn, tôn trọng đạo đức.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tục ngủ duông là sự hội tụ của những nét đẹp văn hoá đặc sắc còn bảo lưu nhiều yếu tố truyền thống trong nghi thức đám cưới truyền thống của người Cơtu. Và với yếu tố này, vừa phản ánh đặc điểm tộc người, vừa có nghĩa giáo dục cộng đồng trong lĩnh vực hôn nhân được họ giữ gìn trân trọng từ bao đời. Điều đáng nói, người Cơtu hôm nay không chỉ tiếp nhận những yếu tố văn hoá của cuộc sống văn minh, hiện đại mà tục ngủ duông mang đậm bản sắc của một cư dân miền núi sống qua ngàn đời mà vẫn tồn tại như nguyên vẹn. Đó chính là kết quả của ý thức về cội nguồn của cộng đồng dân tộc Cơtu. Đây có thể được xem là nét văn hoá làng bản độc đáo về hôn nhân của người Cơtu sống trên vùng Trường Sơn đại ngàn.