Xá Lợi Phật Đài tiếng chuông ngân vọng cõi thanh bình
Trước đây, Xá Lợi Phật Đài nằm trên quả đồi do bác sĩ Bùi Kiến Tín hiến cúng vào năm 1969. Người dân quanh khu vực này thường gọi là đồi Viễn. Từ cửa ngõ Biên Hòa đi vào trung tâm thành phố, vừa qua cầu Đồng Nai khoảng một ki-lô-mét, người ta dễ nhận ra bởi đồi Viễn lừng lững bên phải với cây xanh ngút ngàn, xung quanh là khoảng đồng trống. Đầu tiên, hòa thượng Pháp Tri xây tạm một chánh điện để tôn thờ Phật và một số liêu thất cho chư tăng cư ngụ. Quả đồi này lúc đó toàn là sỏi đá, khô cằn và khá hoang vắng, cách TPHCM khoảng 16km. Sau một thời gian cải tạo, chăm sóc, hòa thượng đã biến quả đồi thành mảnh đất tươi tốt với nhiều cây xanh như râu mèo, xuyên tâm liên để làm thuốc, trồng nhiều cây ăn trái, hoa kiểng, bạch đàn, lập lò thiêu... Đến năm 1984, Xá Lợi Phật Đài bắt đầu xây dựng kiên cố, thế nhưng công việc còn dở dang thì hòa thượng Pháp Tri lâm trọng bệnh nên không được tiếp tục xây dựng. Một thời gian sau, khi nhà chùa có ý định xây tiếp bảo tháp thì mới biết đất này nằm trong quy hoạch một công trình quốc gia mang tính chất văn hóa dân tộc nên Xá Lợi Phật Đài được di chuyển về khu vực rộng lớn gần đó cũng thuộc phường Long Bình, quận 9, TPHCM.
Xá Lợi Phật Đài hiện nay là công trình được xây mới hoàn toàn với kiểu kiến trúc đặc biệt thuần Việt, khuôn viên rộng 7.200m2. Từ quốc lộ nhìn vào, ngôi chùa là một công trình tráng lệ giữa bầu trời xanh và nắng vàng buông xõa. Có lẽ Xá Lợi Phật Đài đẹp nhờ bố cục xây dựng, bởi đứng ở đâu, người thưởng ngoạn cũng có thể nhìn thấy toàn bộ cảnh đẹp của chùa. Khuôn viên chánh điện rộng lớn với nhiều cây cột to tròn vững chãi, ngang 15m, dài 30m, tạo sự thoáng mát, yên tĩnh cho những ai đến chiêm bái. Trong chánh điện, một bức tượng Phật Thích Ca nhũ vàng óng ánh được đúc tại chùa cũ trên đồi Viễn, cao 2,2m, nặng 700kg. Phía sau tượng Phật Thích Ca là bức phù điêu có diện tích khá lớn, bên cạnh là những bức nhỏ hơn chạy vòng trong chánh điện.