Du ngoạn hồ Đa Tôn, Đồng Nai
Những năm gần đây, hồ Đa Tôn trở thành niềm tự hào của người dân các xã Thanh Sơn, Phú Trung, Phú An và Phú Xuân bởi vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan và nguồn lợi thủy sản dồi dào.
Được xem là “viên ngọc bích” giữa núi rừng Tân Phú, hồ Đa Tôn không phải là cảnh quan tạo hóa ban tặng cho vùng đất này mà là hồ nước nhân tạo. Tuy nhiên, khi đến đây, bạn khó có thể hình dung được những ngọn đồi nhô cao phủ xanh cây cối, bên dưới là dòng nước uốn lượn mềm mại lại chính là công trình thủy lợi được khởi công xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng chưa lâu.
Với mặt hồ rộng khoảng 350ha, trước kia hồ Đa Tôn chỉ là cánh đồng trũng dành cho nông dân làm ruộng, rẫy, nhưng mỗi năm bà con chỉ canh tác được một vụ với năng suất rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Năm 1986, Nhà nước có chủ trương biến khu vực này thành hồ thuỷ lợi, nhằm cung cấp lượng nước lớn cho những cánh đồng của bà con nông dân 4 xã quanh khu vực. Hồ Đa Tôn ra đời, không chỉ có nhiệm vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn như chiếc máy điều hoà nhiệt độ khổng lồ cho cả vùng khiến nơi đây quanh năm mát mẻ và trong lành. Bên cạnh, một hồ chứa nhỏ thuộc xã Phú Xuân giữ nhiệm vụ điều tiết nước cũng là một cảnh quan thơ mộng.
Anh Nguyễn Văn Quý, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp nuôi trồng thuỷ sản xã Thanh Sơn cho biết: “Lúc mới khởi xướng việc xây hồ, có nhiều ý kiến không tán thành vì việc mất một lúc gần 400ha đất canh tác là cú sốc đối với người dân. Nhưng sau khi hồ Đa Tôn hình thành, tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân đã được cải thiện rõ rệt nhờ có thể canh tác 3 vụ lúa/năm. Không chỉ thế, còn tạo điều kiện cho bà con phát triển nuôi trồng thuỷ sản, cải thiện kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, với vẻ đẹp hoang sơ, trên là rừng núi, dưới là hồ nước, một bên là cánh đồng bát ngát, dịch vụ du lịch đã bắt đầu”.
Đứng bên bờ hồ nhìn về phía những ngọn đồi xa xa, từng dải mây bềnh bồng, tản mát trên những cánh rừng ngút ngàn màu xanh. Vào những ngày nắng đẹp, mặt trời tỏa ánh vàng óng ả xuống hồ, mặt nước như một tấm thảm bạc với vô số ánh hào quang lấp lánh. Nông dân bơi thuyền lên các đảo nhỏ giữa lòng hồ để ươm trồng các các loại cây công nghiệp như tiêu, điều, chuối, bơ,... Chiều xuống, nền trời nhuộm tím sắc màu huyền hoặc, đàn chim rủ nhau về núi, những chiếc thuyền nhẹ nhàng rời đảo, bóng những thôn nữ dịu dàng và chăm chỉ lả lướt theo con thuyền. Những đêm trăng thanh, gió mát, xuôi thuyền trên hồ, du khách tha hồ ngắm trăng, cảm thấu hơi sương buốt lạnh và nhìn bầu trời qua màn sương bàng bạc, mà cảm hoài ngâm ngợi mấy vần thơ hoặc thả hồn phiêu lãng về một góc biển, chân trời...
Đẹp nhất ở hồ Đa Tôn có lẽ là cồn đất rộng đến 2ha nổi lên giữa hồ. Những chuyến vui chơi, cắm trại ở đây bao giờ cũng tạo một bầu không khí sôi động, chan hòa. Vẻ đẹp của cồn đầu tiên phải kể đến thảm thực vật đa dạng với những bãi cỏ xanh mượt, cây hoang, hoa dại nở bạt ngàn. Hoa lau vươn cao, nở trắng, điểm thêm vẻ đẹp hoang dã và bình yên.
Ngao du trên hồ Đa Tôn, không chỉ ngắm cảnh, bạn còn có thể câu cá. Cá ở đây có nhiều loại như chép đen, chép đỏ, trắm, trôi, mè... rất dạn ăn và khá to, nhiều người đã câu được những con cá chép, mè nặng đến 2kg. Chỉ cần một chiếc cần câu quăng, lưỡi và ít mồi, du khách đã có thể thưởng thức bữa cá tươi ngon lành, với hình thức chế biến tùy ý. Trời vừa chạng vạng là cá bắt đầu rục rịch kéo nhau thành đàn kiếm mồi. Một đêm tìm cảm giác với chiếc thuyền câu không chỉ là cách giải trí lành mạnh mà còn đem đến cho du khách niềm vui khi có buổi câu thắng lợi.
Với những thế mạnh như không khí thoáng đãng, trong lành, khung cảnh thơ mộng, hữu tình, hồ Đa Tôn trở thành thắng cảnh đẹp, hoàn toàn thích hợp để mở khu giải trí, du lịch nghỉ dưỡng. Du khách đến đây sẽ có dịp nghỉ ngơi, hít thở không khí trong lành, chèo thuyền dạo quanh hồ. Những ngọn đồi cao xung quanh hồ có thể giúp du khách thư giãn bằng hình thức leo núi hoặc tản bộ. Nếu được đầu tư, xây dựng hợp lý, khu vực hồ Đa Tôn có thể trở thành khu du lịch sinh thái giàu tiềm năng.