Non nước Việt Nam

Địa đạo Phú An - Phú Xuân (Quảng Nam): điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai

Cập nhật: 27/04/2009 08:04:40
Số lần đọc: 2157
Địa đạo Phú An - Phú Xuân (xã Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam) là một hệ thống địa đạo lớn kéo dài qua các thôn Phú Bình, Phú Phong, Phú Long... và tập trung nhiều nhất ở 2 thôn Phú An và Phú Xuân. Trong chiến tranh chống Mỹ, địa đạo từng là nơi đứng chân của Đặc khu ủy Quảng Đà và Huyện ủy Đại Lộc; là căn cứ địa vững chắc bẻ gãy nhiều cuộc hành quân càn quét của Mỹ - ngụy, làm bàn đạp tiến công giành thắng lợi ở các mặt trận khu V, tạo thời cơ cho việc tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 ở khu V và Quảng Nam - Đà Nẵng.

Năm 1965 quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng tiến hành các cuộc hành quân càn quét, mở rộng vành đai chiếm đóng. Tại chiến trường Đại Lộc, quân ngụy, ngoài việc củng cố xây dựng các đồn bốt, còn tổ chức nhiều cuộc hành quân đánh phá lấn chiếm vùng giải phóng. Trước tình hình đó ta vừa tiến hành củng cố lực lượng vũ trang, tổ chức huấn luyện dân quân tự vệ địa phương, vừa vận động nhân dân rào làng chiến đấu, dựng chướng ngại vật, đánh sập cầu cống nhằm cản trở bước tiến của địch; các hầm chống phi pháo, hầm cất giấu tài sản, hầm bí mật, giao thông hào... cũng được đào gấp rút để các lực lượng vũ trang bám trụ chiến đấu bảo vệ xóm làng. Và, chính trong thời điểm này địa đạo Phú An - Phú Xuân ra đời do đồng chí Phan Thanh Thủ, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc lúc bấy giờ trực tiếp chỉ huy, đến năm 1967 thì địa đạo hoàn thành.

Địa đạo có chiều dài hơn 2.000m nằm sâu trong lòng đất với 21 ngõ ngách phức tạp xuyên qua các lũy tre, bụi cây, nhà dân. Cùng với đó là hệ thống  giao thông hào và đường giao thông chằng chịt xung quanh. Tùy vào địa hình, địa chất mà lòng địa đạo có thể rộng hẹp khác nhau, chỗ sâu nhất khoảng 2m. Các ngách và lỗ thông hơi cũng được bố trí ở nhiều nơi nhằm tạo thế liên hoàn, tránh sự phát hiện của địch cũng như hỗ trợ nhau trong chiến đấu. Trong địa đạo có hầm cấp cứu, hầm dự trữ lương thực, hầm hội họp, hầm chỉ huy. Ngoài ra, mỗi đoạn địa đạo đều có những nhánh nhỏ nối liền với hai khu giao thông hào chạy dọc theo để cảnh giới và tác chiến khi địch tổ chức hành quân. Khoảng 20m có một lỗ thông hơi và hầm cá nhân để tránh phi pháo bất ngờ khi chưa kịp xuống địa đạo. Theo ông Trần Trung, 82 tuổi, một người trực tiếp đào, thì việc đào địa đạo rất bí mật và khẩn trương, bất kể ngày đêm có những lúc cả đại đội 32 thuộc Ban an ninh Quảng Đà và du kích địa phương cùng tham gia. Nhân dân trong các thôn được chia thành nhiều tổ, mỗi tổ 15 người, mỗi người phải cố gắng hoàn thành 7m địa đạo, đất được chuyền mang ra đổ ngoài bờ sông hoặc hố bom để địch không nghi ngờ, phát hiện. Cũng theo ông, khi xưa cửa chính xuống địa đạo sâu khoảng 4,5m nằm trong vườn nhà bà Trần Thị Bốn, năm 1969 cửa chính này đã bị bom thả trúng vùi lấp. Năm 2002, Bảo tàng Quảng Nam tiến hành khảo sát khu vực này nhưng không phát hiện được dấu vết. Ngày nay địa đạo hầu như đã bị hư hại, phần lớn các đoạn đã bị lún sụp và mất dấu dưới các lũy tre hoặc bị người dân phá bỏ để làm nhà, canh tác hoặc xây dựng các công trình dân sự bên trên, các đoạn còn nguyên vẹn thì bị thấm ngập nước.

Đầu năm 2009, dự án trùng tu, tôn tạo địa đạo Phú An - Phú Xuân đã được lập, trình phê duyệt với kinh phí đầu tư hơn 2 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung của tỉnh và từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về trùng tu di tích của Chính phủ. Dự án bao gồm nhiều hạng mục từ giải tỏa đền bù đến trùng tu và phục hồi nguyên trạng một số địa điểm chính của địa đạo như: hầm địa đạo, miệng địa đạo, nhà chỉ huy, phòng hội họp... Theo ông  Nguyễn Phước Dũng cán bộ Ban Quản lý dự án (thuộc Sở VHTT & DL) thì trong quá trình trùng tu địa đạo bên cạnh yếu tố nguyên gốc của di tích luôn đặt lên hàng đầu thì yếu tố thẩm mỹ và sự an toàn cũng luôn được chú trọng, vì vậy vách và trần địa đạo sẽ được chèn bằng bê tông cốt thép, bên trong phun vữa giả đất, tạo những hốc nhỏ đặt đèn điện (đèn giả cổ) để phục vụ cho khách tham quan sau này. Miệng địa đạo cũng được gia cố xây bằng đá chẻ, phun vữa giả đất xung quanh bên trên rào đơn giản bằng cọc thép tròn và giằng dây xích mạ kẽm chống gỉ. Phần nhà chỉ huy hội họp sẽ được phục dựng theo lối kiến trúc địa phương với tường bao che xây gạch, trát vữa, khung chịu lực bằng gỗ, mái lợp ngói vẩy cá, cửa gỗ. Các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày như bàn ghế, giường tủ cũng sẽ được phục chế nguyên trạng như trước, tại đây cũng sẽ là nơi trưng bày, đón tiếp và giới thiệu về di tích cho du khách tham quan.

Dự án được triển khai là việc làm cấp thiết mang nhiều ý nghĩa, ngoài mục đích cứu vãn, bảo vệ di tích, về lâu dài khu địa đạo Phú An - Phú Xuân sẽ là điểm du lịch hấp dẫn; một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau về một vùng đất, con người anh hùng với lòng kiên trung và tính sáng tạo, bền bỉ. Với việc phục dựng lại những làng nghề truyền thống như làng mây tre Xuân Nam, làng nón lá Giảng Hòa... cùng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng quanh vùng như Khu du lịch sinh thái Khe Tân (Đại Thạnh), Suối Mơ (Đại Đồng), Khe Lim (Đại Hồng)... Hy vọng trong tương lai không xa, Đại Thắng nói riêng và Đại Lộc nói chung sẽ là điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài tỉnh.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT