Non nước Việt Nam

Chùa Hiệp Thiên Cung - một địa điểm tín ngưỡng và văn hóa ở Cái Răng, Cần Thơ

Cập nhật: 20/04/2009 14:04:11
Số lần đọc: 2282
Chùa Hiệp Thiên Cung được xây dựng trên diện tích 444,4m2 trong khung viên 600m2 tại trung tâm chợ Cái Răng - số 29, đường Hàm Nghi, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Chùa thờ ông Quan Công, ông Phước Đức và bà Thiên Hậu – theo hệ phái Hoa tông. Do ông Lâm Quế Thạnh làm Hội trưởng Ban Quản trị chùa.

Dựa vào các bức hoành phi và những cổ vật còn lại, có thể ước tính chùa Hiệp Thiên Cung - Cái Răng có trước năm 1856, cách nay hơn 153 năm.

Khoảng đầu thế kỷ XIX - nhiều người Hoa từ Trung Quốc di dân sang Việt Nam để kiếm sống, trong số đó có một nhóm người gồm: Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam và Sùng Chính (Hẹ) về làm ăn sinh sống tại vùng đất Cái Răng thuộc xã Thường Thạnh, huyện Phong Phú, phủ Tuy Biên. Sau đó đổi thành hạt Sa Đét, rồi tổng Định Bảo hạt Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ, rồi đổi Phong Dinh, Cần Thơ, Hậu Giang và nay là thành phố Cần Thơ.

Chùa được xây dựng theo hình chữ “Quốc” với các dãy nhà khép kín vuông góc với nhau, ở giữa chùa một khoảng không gian trống gọi là sân thiên tỉnh, trục giữa được kết cấu tính từ ngoài vào gồm 7 gian. Nhìn toàn cảnh từ bên ngoài ta thấy sân chùa có trang thờ ông Thiên với cây cột cao khoảng 10 mét có từ 100 năm nay, mặt tiền có một dãy nhà ngang tạo thành cổng chính và 2 cổng phụ hai bên, trên nóc chùa chạm cẩn hình lưỡng Thanh Long Tranh Châu; 2 dãy nhà dọc, nằm bên trái là đông lang, nằm bên phải là tây lang dùng được chia ra làm 6 phòng dùng làm nơi tiếp khách và nơi ở của người quản lý trông coi chùa.

Bố trí các gian trong chùa như sau: Gian thứ 1 – để chuông và trống, gian thứ 2 – là Thiên đỉnh (giếng trời), gian thứ 3 và 4 – dùng làm nơi dâng hương cử hành lễ tế, gian thứ 5 và 6 – đặt bàn cúng, lư hương và trưng bày 8 bộ thanh long đao cổ, gian thứ 7 – là nơi đặt ngai thờ và tượng thờ các vị Thần Thánh (những tượng thờ đều được thỉnh từ Trung Quốc). Giữa trung tâm là nơi chính điện.

Kết cấu hiện nay có một số cột làm bằng gỗ, một số cột làm bằng đá xanh, tường gạch, mái lợp ngói ống âm dương, kiểu mái đơn giản, có những đường con lươn dằn mái ngói, đầu con lươn được cách điệu thành những đầu rồng; bên trong các thanh gỗ dùng làm xuyên, mỗi đầu cây xuyên cũng được chạm trổ đầu rồng; trên xuyên vách của gian thứ 3 trước chánh điện, có chạm trổ hình Kỳ Lân trang trí mỗi bên 2 con thật tinh xảo. Ngoài mặt tiền chùa, phía trên cổng chính treo khối tượng thuyền Bác Nhã.

Vách mặt tiền, phía trên vẽ hình bát tiên; bên dưới vẽ minh họa những hình ảnh của 3 anh em Lưu, Quang, Trương kết nghĩa vườn đào đến Quan Vũ được phong Thánh. Bên trên phía trong cửa chính treo một bảng vàng ghi danh sách các thiện tín góp tiền mua đất kiến miếu, chữ viết bằng mực vàng ròng. Bảng này được làm từ năm 1856.

Đặc biệt, trong chùa còn lưu giữ 12 bức hoành phi được chạm khắc 2,3 lớp rất tinh xảo. Một số bức tiêu biểu như : Bức treo trước mặt chính điện là “Nghĩa Bỉnh Càn Khôn” – ý nghĩa, nêu chí nghĩa dũng để lại trần gian, được làm từ năm 1885; Bức thứ 2, treo phía trên điện thờ Quan Thánh Đế Quân “Khí Tráng Sơn Hà” – ý nghĩa, nói lên khí thế anh hùng vang vội cả núi sông. Bức này làm từ năm 1973; Bức thứ 3, “Nghĩa Quan Thiên Thu” – ý nghĩa, nói lên khí thế để lại ngàn thu. Làm từ năm 1886; Bức thứ 4, “Thiên Cổ Nhất Nhân” – ý nghĩa, nêu từ ngàn xưa chỉ có một người. Bức này làm từ năm 1886.

Ngay trung tâm chánh điện, trục giữa đặt một bàn thờ chính có bộ lư đồng lớn ở giữa gian thứ 5, cũng là nơi dùng để bày lễ vật cúng.

Bên trong đặt một bàn thờ có hương án lớn ở giữa gian thứ 6 và phía trong gian thứ 7 là ngai thờ “Tam vị Thánh Đế”.

Chính giữa thờ Quan Công “Quan Thánh Đế Quân” (“Ông”), bên trái của “Ông” thờ Quan Bình, bên phải của “Ông” thờ Châu Xương; Gian bên phải đặt ngai thờ “Phước Đức Tài Thần” ; Gian bên trái đặt ngai thờ “Thiên Hậu Thánh Mẫu” !

Hiện nay, chùa Hiệp Thiên Cung – Cái Răng là một trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa của nhân dân địa phương, là một điểm tựa tinh thần, nơi hội họp sinh hoạt tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau và là nơi vui chơi giải trí... Bà con trong khu vực không phân biệt người Hoa hay người Việt đều đến cúng viếng chùa, đóng góp nhiều tiền của để góp phần tổ chức các hoạt động lễ hội trong năm và tu bổ sơn sửa lại chùa.

Ban quản trị chùa luôn cố gắng duy trì tổ chức đầy đủ các ngày lễ hội theo đúng phong tục tập quán từ trước, nhằm đảm bảo đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng của nhân dân, vận động nhiều mạnh thường quân đóng góp nhiều tiền của gây quỹ chùa, sử dụng quỹ đúng mục đích như: đóng góp để xây nhà tình thương, làm cầu sửa đường, cứu trợ thiên tai, lũ lụt...; tổ chức khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, cho gạo người nghèo v.v...

Chùa Hiệp Thiên Cung – Cái Răng còn là một địa chỉ quan trọng đối với những người làm công tác nghiên cứu văn hóa lịch sử, là một địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước - xứng đáng được công nhận là một di tích lịch sử - văn hóa.

Nguồn: website báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT