Non nước Việt Nam

Gò Nổi - Tương lai một vùng du lịch văn hóa - lịch sử - làng quê

Cập nhật: 15/04/2009 11:15:58
Số lần đọc: 2020
 Mồng 10-3 (ÂL) vừa qua, người dân vùng Gò Nổi (gồm 3 xã Điện Phong, Điện Quang, Điện Trung, thuộc H. Điện Bàn, Quảng Nam) tự hào, náo nức tham gia Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương lần thứ 3 ngay tại quê hương mình - nơi mà trong chiến tranh đã phải chịu nhiều khốc liệt, đạn bom, cả vùng đất không một túp lều, không bóng một hàng cây...

Hội tụ những tấm lòng

 Trong không khí lễ hội tràn ngập khắp các đường thôn, ngõ xóm, lễ Giỗ tổ được tiến hành một cách trang trọng theo đúng quy định mới ban hành của Bộ VH-TT&DL cả về trang phục, âm nhạc, lễ phẩm và trình tự tế lễ. Trong tiếng nhạc lễ rộn ràng, lễ phẩm gồm 18 chiếc bánh chưng, 18 chiếc bánh dầy có dán chữ Phúc cùng hương hoa, ngũ quả đã được Ban chủ lễ gồm đại diện Đảng ủy, chính quyền 3 xã trong trang phục khăn đóng, áo dài truyền thống thành kính dâng lên, cung tiến Quốc tổ. Hàng trăm người dân từ khắp nơi trong vùng Gò Nổi, các xã lân cận của Điện Bàn, Duy Xuyên và cả những người con Gò Nổi sống xa quê cũng rộn ràng xiêm áo, tề tựu về đây dâng lễ vật tưởng nhớ công ơn tiên tổ.

Công trình Đền thờ vua Hùng Vương, thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và lễ Giỗ tổ đã đáp ứng nguyện vọng thiết tha tự bao đời của đông đảo cán bộ và nhân dân Điện Bàn nói riêng, Quảng Nam nói chung: hằng năm được chiêm bái các Vua Hùng trên chính quê hương mình và cùng tâm nguyện thực hiện di huấn thiêng liêng của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đền thờ tọa lạc ở làng Trừng Giang (Hòa Giang - Điện Trung) trên khuôn viên gần 3.000m2, uy nghi, bề thế nay đã rợp mát bóng cây. Có thể gọi đền thờ là điểm hội tụ của những tấm lòng. Bởi từ ý tưởng của ông Nguyễn Thanh Bình - một người con của làng Trừng Giang công tác tại TP Hồ Chí Minh, công trình đã được những người con Gò Nổi sống xa quê, những người đang ngày đêm lam lũ trên đồng ruộng quê hương và cả những người có tình cảm gắn bó với nơi đây,... đã đồng tâm hiệp lực xây nên trong 2 lần xây dựng với 6.000 ngày công của dân làng và kinh phí gần 2 tỷ đồng. Triết lý văn hóa dân gian Việt Nam: nhà - làng - nước được thể hiện một cách rõ nét trong ý tưởng và cả trong không gian kiến trúc nơi đây.

Năm 2009 là năm thứ 3 các xã tổ chức lễ giỗ tại đền thờ nhưng là năm đầu tiên có được sự đồng tâm hiệp ý của chính quyền và nhân dân 3 xã Gò Nổi. Dù chỉ là thờ vọng, song người dân ai cũng mong muốn ngôi đền phải có được sinh khí “quốc hồn” nên trước đó, đoàn đại biểu cán bộ, nhân dân 3 xã vùng Gò Nổi đã tổ chức chuyến hành hương về Đền Hùng (Phú Thọ) viếng Tổ và xin thỉnh nghinh linh khí Quốc tổ gồm: chân hương, đất núi Hùng, nước giếng Ngọc đưa về tổ chức trọng thể Lễ An vị linh khí Quốc tổ nhập tượng. Đền thờ Quốc tổ ở làng Trừng Giang trở thành một phần không thể thiếu trong tâm thức người dân Gò Nổi, trở thành biểu tượng của lòng tri ân, hướng về nguồn cội, ngưỡng vọng công đức các Vua Hùng; là nơi hội tụ sức mạnh và niềm tự hào của các dòng tộc trong vùng.

Có thể xây dựng vùng du lịch - văn hóa - lịch sử - làng quê

 Gò Nổi quả là vùng địa linh nhân kiệt, bởi trên một diện tích không rộng lớn nhưng dày đặc những tên người, tên đất in đậm dấu tích lịch sử - văn hóa. Dường như nơi đâu cũng bắt gặp dấu xưa của những nhân kiệt đã làm rạng danh xứ Quảng, tô thắm non sông Việt Nam. Đó là Hoàng Diệu, vị phó bảng học rộng tài cao, vị Tổng đốc thành Hà Nội nêu gương trung liệt thề quyết sống chết giữ thành. Phạm Phú Thứ thông minh hiếu học, mới 23 tuổi đã đỗ Tiến sĩ; Chí sĩ Trần Cao Vân, với thuyết Trung Thiên Dịch nổi tiếng, một trong những lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Duy Tân; Nhà yêu nước Phan Thành Tài. Đó là các tiến sĩ Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, các phó bảng Ngô Chuân (tức Ngô Lý), Dương Hiển Tiến làm nên kỳ tích “Ngũ Phụng Tề phi” lừng lẫy mọi thời đại, tô đậm thêm truyền thống hiếu học của người dân xứ Quảng.

Đó là danh thần triều Nguyễn - Lê Đình Đỉnh, nhà ngoại giao tài ba và là thân sinh y sĩ - liệt sĩ Lê Đình Dương cùng bác sĩ - cư sĩ Lê Đình Thám. Là nhà giáo, nhà báo, nhà truyền bá quốc ngữ, nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc Phan Thanh; Hoàng Hữu Nam (còn gọi là Phan Bôi), Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ CA) đầu tiên của Việt Nam bên cạnh Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng. Bà Nguyễn Thị Bình- nữ Phó Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam (1992-2002). Đó còn là nữ Anh hùng Trần Thị Lý – người con gái Việt Nam; là Anh hùng LLVTND Nguyễn Trọng Nghĩa – một Phan Đình Giót của miền Nam; là các Anh hùng Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Quang Vinh... mà sử sách đời đời ghi nhớ. Hay các GS – NGND, nhà phê bình văn học có uy tín Lê Đình Kỵ; GS ngôn ngữ học Hoàng Phê; các nhà toán học Hoàng Tụy, Hoàng Chúng,.. suốt đời tận tụy vì sự nghiệp trồng người.

 Là chiến trường xưa, Gò Nổi còn ghi bao chiến công của quân và dân Quảng Nam thắng giặc xâm lăng; là hành lang và là chiếc nôi của cách mạng Khu V, nơi in bao dấu tích bi hùng của những vụ thảm sát: Kho Muối, Lò Gạch Trừng Giang mà giờ đây đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa. Người dân quê tôi vẫn truyền tụng câu ca: “Nhất Củ Chi - nhì Gò Nổi” để đo mức độ ác liệt của chiến tranh và đo phẩm chất anh hùng của những người con quyết trụ bám với ruộng vườn thôn xóm, quyết “một tấc không đi, một li không rời”.

Với tiết diện dày đặc những di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, với những cái tên lừng lẫy trong lòng người dân Việt, tôi vẫn hằng mơ một ngày nào đó, Gò Nổi trở thành một vùng du lịch văn hóa – lịch sử - làng quê. Những đoàn du khách từ khắp muôn phương sẽ đến với Gò Nổi để được ngắm nhìn dòng sông Thu Bồn đã đi vào huyền thoại, ngắm hoàng hôn trên những cánh đồng lúa xanh tươi rợp trắng cánh cò; được nhìn thấy những nàng thôn nữ xinh đẹp sau chiếc xa quay óng ánh tơ vàng... Và sẽ được nghe và chứng kiến những di tích lịch sử về những bậc vĩ nhân, anh hùng của dân tộc đã được sinh ra trên quê hương Gò Nổi... Tất cả sẽ làm nên câu chuyện kể sinh động với du khách phương xa rằng Gò Nổi có một thời linh thiêng, một thuở oai hùng như thế.

Nguồn: Báo Công an Tp. Đà Nẵng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT