Tấm bia cổ 400 năm tuổi ở Đền Đô
Bia được khắc, dựng năm Giáp Thìn - Hoằng Định (năm 1604) thời vua Lê Kính Tông, chúa Trịnh Tùng, để ghi lại sự kiện nhà Lê cho trùng tu ngôi đền ngay trên đất tôn miếu cũ và khắc văn bia ghi công đức các vị vua nhà Lý.
Bia được chạm khắc tinh xảo, trán bia khắc hình Lưỡng long chầu nguyệt, tức hai con rồng đang chầu vào mặt trăng ở chính giữa. Mặt trăng tròn được chạm nổi, xung quanh có các hào quang tỏa chiếu. Đối xứng hai bên có đôi rồng chầu vào trong tư thế nằm ngang. Rồng tạo tác đẹp, có dạng thú, miệng há to, đầu ngẩng cao về phía trước, râu tóc bay trải, thân rồng thon dài về phía đuôi, phần lưng nhô cao, sống lưng có đao và vây nhọn. Diềm bia hình chữ nhật đứng, được trang trí hoa văn cách điệu là rồng chầu mặt nguyệt, kéo hết diềm bia. Phía dưới trán bia trạm hình rồng là tên bia được chạm nổi 5 chữ Hán lớn là “Cổ Pháp điện tạo bi”. Người soạn văn bia chính là tiến sĩ Phùng Khắc Khoan.
Trong thời kỳ tạm chiếm ở Đình Bảng, giặc Pháp đã tàn phá nhiều di sản văn hóa ở quê hương các vị vua triều Lý. Năm 1952, chúng phá hủy hoàn toàn đền Đô, đem tấm bia Cổ Pháp ra giữa sân đền làm bia để tập bắn.
Năm 1989, khi khởi công xây dựng lại đền Đô, nhân dân làng Đình Bảng đem tấm bia quý này về vị trí cũ, xây nhà bia như xưa để bảo vệ. 405 năm đã trôi qua, dẫu mang trên mình những vết thương chiến tranh nhưng tấm bia vẫn đứng vững, những câu chữ trên văn bia vẫn không bị mất đi.
Theo ông Nguyễn Đức Thìn, thành viên ban quản lý đền Đô, tấm bia này không chỉ là cổ vật quý hiếm của đền Đô còn lại sau hai cuộc tàn phá của kẻ thù xâm lược mà còn là nguồn sử liệu quan trọng. Nó là tư liệu chính thống cho biết nhà Lê đã tu bổ, mở rộng khu thờ phụng các vị vua triều Lý với ý thức trân trọng, thể hiện trách nhiệm của hậu thế đối với việc gìn giữ, phát huy những công tích mà ông cha đã làm trong lịch sử đất nước.