Độc đáo trong trang phục của người Dao Tiền Bắc Kạn
Người Dao Tiền rất tự hào về trang phục truyền thồng của mình. Đây là dân tộc luôn mặc các trang phục truyền thống trong các dịp lễ hội, đi chợ, đi nương…Trẻ em cũng được cha mẹ thêu dệt, may cho những bộ trang phục truyền thống. Trong ngày hội, ngày chợ chị em phụ nữ Dao Tiền rất duyên dáng, nhã nhặn trong trang phục truyền thống như những cánh bướm của núi rừng hồn nhiên và trong sáng. Tuy nhiên các công đoạn để hoàn thành một bộ trang phục của người Dao Tiền rất công phu và tỉ mỉ. Các bộ trang phục của cả nam và nữ đều được nhuộm chàm và vẽ trang trí theo phương pháp thủ công đặc biệt.
Tranh thủ những lúc nhàn rỗi phụ nữ Dao ép hạt, bật bông, se sợi, dệt vải, tự may trang phục cho mình và cho người thân. Người phụ nữ thường đảm nhiệm tất cả các công đoạn này. Khi lấy được bông họ đun qua nước sôi, ngâm vào nước lạnh rồi vớt ra đùm thành con. Dụng cụ chủ yếu giúp hoàn thành trang phục là chiếc khung dệt- vật cần thiết trong mỗi gia đình người Dao. Chỉ với hai thoi sợi chính, phụ nữ Dao Tiền dệt thành những mảnh vải vuông khoảng 30 đến 40 cm một chiều. Trang phục của người Dao Tiền chủ yếu thêu trên áo, phần váy họ vẽ sáp ong. Để tạo hoa văn trước tiên người ta dùng dụng cụ vẽ. Đó là chiếc bút gắn ngòi đồng nhưng cũng có khi chỉ là những chiếc que tre bẻ thành hình tam giác. Loại to để tỉa tót hoa lá, loại vừa chuyên vẽ hình vuông, hình tròn chim, ốc. Sau khi nấu chảy sáp ong họ sẽ nhúng đầu bút vẽ hoa văn lên vải. Vẽ xong đem tấm vải đó đi nhuộm chàm, khi các công đoạn nhuộm chàm hoàn tất họ đem ngâm vào nước nóng để sáp tan ra. Những chỗ trước đây có vẽ sáp ong không nhuốm chàm nên chỉ để lại một màu xanh lơ hài hoà đẹp mắt.
Người Dao rất coi trọng chuyện ăn mặc, ngay cả trẻ nhỏ đã được bố mẹ mặc cho những trang phục truyền thống, họ thường xuyên truyền lại cho con cháu kĩ thuật dệt, nhuộm và may vá trang phục truyền thống. Vì kĩ thuật làm được một bộ trang phục rất cầu kì và trải qua nhiều công đoạn, một bộ trang phục của họ phải mất khoảng 15 ngày mới may xong. Chính vì vậy, họ luôn có ý thức giữ gìn nét truyền thống bắt đầu từ những trang phục cầu kì của mình.
Phụ nữ Dao Tiền rất thích trang sức, chủ yếu là các đồng bạc trắng hay kim loại, vòng bạc trắng được họ dùng để trang trí, đồng thời trong trang phục họ làm các khuy bạc có đường kính từ 6 đến 7 cm đính nổi bật ở trên áo chàm. Cả bộ trang sức có khi nặng đến vài ki-lô-gam. Kỹ thuật thêu của người Dao Tiền cũng khá đặc biệt, không thêu đè lên các sợi vải mà luồn chỉ theo mắt sợi, thêu ở mặt trái nhưng các hoạ tiết lại nổi lên trên mặt phải của vải. Các họa tiết thêu chủ yếu là hình sao tám cánh, hình chữ thập ngoặc đơn và ngoặc kép, hình gà, hình hoa lá .... Màu sắc của hoa văn họ ưa dùng là màu đen và trắng. Một bộ trang phục hoàn chỉnh của người Dao gồm: Áo, yếm, xà cạp, dây lưng, khăn vấn đầu, váy dài cùng đồ trang sức vàng bạc ... Duy nhất trong cộng đồng người Dao chỉ có người Dao Tiền là mặc váy.
Khăn đội đầu của phụ nữ Dao Tiền có màu trắng dài khoảng 1,2m đến 1,5m. Hai đầu khăn có hai mảng hoa văn hình vuông. Khi đội khăn phụ nữ thường búi tóc ngược lên đỉnh đầu, hơi hướng về phía trước. Thân áo dài của phụ nữ Dao thường được hình thành từ hai khổ vải được gấp đôi lại. Hai thân trước để rời, có nẹp từ cổ áo xuống tới chỗ xẻ tà. Tay áo được khâu theo dạng tay ống, cửa tay được thêu như ở nẹp ngực. Ở cổ áo, thân sau được đeo một số đồng bạc thường từ 6 đến 12 đồng. Ngoài y phục, người phụ nữ Dao còn ưa dùng đồ trang sức làm cho bộ trang phục của mình thêm sang trọng như túi trầu đính bạc, hay những miếng bạc được đính vào ngực áo.
Ngày cưới, cô dâu Dao Tiền mặc áo kép tự làm, đầu đội mũ. Khung mũ được làm bằng tóc rối phết sáp ong, trên khung được phủ khăn trắng hình chữ nhật, thêu các hoạ tiết bằng chỉ nhiều màu. Theo quan niệm của người Dao Tiền, khi cô gái về nhà chồng, ngoài váy, áo tự làm suốt một năm qua, còn có của hồi môn là những đồ trang sức bằng bạc do cha mẹ mình tặng. Những đồ trang sức này sẽ được giữ lại như bảo vật của gia đình, dòng họ và sẽ trao lại cho con cháu sau này.
Người Dao Tiền Bắc Kạn luôn có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc thông qua các trang phục cầu kì, tinh tế và độc đáo rất riêng không trộn lẫn với bất cứ dân tộc nào. Đến với các bản nơi người Dao Tiền sinh sống cùng khám phá nét văn hoá đặc sắc của dân tộc thiểu số vùng cao, du khách còn cảm nhận được sự chân thành, thẳng thắn, rất đỗi chân thật và mến khách.