Lễ hội khai hạ làng Ngọc - nét văn hóa đặc sắc của người Mường
Làng Ngọc xưa vốn thuộc Mường Vẩm, là nơi sinh sống lâu đời của người Việt – Mường cổ. Tương truyền vào giữa thế kỷ thứ XII, có hai vợ chồng người Mường ở Hòa Bình trên đường kiếm kế sinh nhai đã lưu lạc đến vùng đất này, thấy phong cảnh non nước hữu tình, lại có một con suối nước chảy róc rách, hiền hòa dưới chân dãy núi đá vôi nên quyết định dừng chân sinh sống, lập nghiệp. Thời gian sau, một số gia đình, dòng họ từ nơi khác đến đây thấy địa thế đẹp nên cũng ở lại, khai phá đất hoang, phát nương làm rẫy. Đặc biệt, thấy con suối Ngọc chảy từ trong núi Trường Sinh không bao giờ cạn nên dân ở đây đã đào mương dẫn nước lên các chân ruộng để trồng lúa nước. Từ đó, cuộc sống của người dân làng Ngọc trở nên khấm khá, đầm ấm, yên vui.
Ngày nay, ngoài suối cá linh thiêng, thần bí, làng Ngọc còn có những ngôi đền linh thiêng gắn với các truyền thuyết về mảnh đất này, như đền thờ thần rắn (hay còn gọi là đền Ngọc). Truyền thuyết kể lại rằng, hai vợ chồng người Mường từ Hòa Bình đến lập nghiệp đầu tiên ở làng Ngọc mãi mà không có con. Một lần, người vợ xuống suối xúc cá tôm thì xúc được một quả trứng nhỏ. Bà liền thả xuống suối rồi tiếp tục xúc ra nơi khác, nhưng quả trứng vẫn rơi vào rổ của bà. Lấy làm lạ, bà mang quả trứng về cho chồng xem. Biết là điềm báo, ông bà mang quả trứng vào để trong ổ gà đang ấp. Sau đó quả trứng lạ nở thành một con rắn nhỏ có mào đỏ như mào gà. Từ đó, rắn trở thành một thành viên quan trọng trong cộng đồng bản Mường. Năm tháng trôi đi, chú rắn nhỏ ngày nào đã thành chàng rắn to lớn, dũng mãnh. Bỗng một ngày nọ, rắn bỏ đi hai ngày đêm không về. Cũng trong thời gian đó, tại làng Ngọc trời bỗng mưa to, gió lớn, sấm chớp ầm ầm. Lẫn trong tiếng mưa gió, dân làng Ngọc nghe vọng lại xa xa như trong dãy núi Trường Sinh có tiếng xung trận, đánh nhau của rất nhiều quan quân binh lính nên không ai dám ra khỏi nhà. Khi trời tạnh, người dân làng Ngọc nhìn ra thấy nước ngập trắng đồng, con suối cạn ngày nào giờ nước chảy cuồn cuộn. Thấy điềm lạ, người dân làng Ngọc kéo nhau ra suối thì nhìn thấy chàng rắn có mào đỏ đã chết, xác dạt vào bờ suối. Thương tiếc chàng rắn, dân làng tổ chức làm ma rất to. Đêm đó, người già trong làng bỗng mơ thấy thần linh hiện về mách bảo rằng chàng rắn chính là vị thần linh được cử đến để bảo vệ dân làng. Những ngày qua, vâng lệnh thần linh chàng rắn đi đánh nhau với quỷ quái để trừ họa cho dân. Nhớ ơn, dân làng Ngọc đã chôn cất chàng rắn dưới chân núi Trường Sinh rồi lập đền thờ thần rắn, gọi là đền Ngọc.
Đền Ngọc làm xong, soi bóng xuống suối Ngọc lung linh. Nước suối Ngọc từ đó trở lại trong xanh, hiền hòa. Và cũng từ đó, suối Ngọc luôn đầy nước, đủ tưới cho những cánh đồng của làng Ngọc và cả cánh đồng rộng lớn của mường Vẩm. Cuộc sống của dân làng ngày càng trở nên no đủ, khấm khá hơn lên. Cũng không biết từ đâu tới, dưới lòng suối Ngọc xuất hiện hàng loạt con cá đuôi và vây đỏ tía, tung tăng bơi lội dưới dòng nước trong hiền hòa. Đêm đến, chúng lại chui qua Mó Ngọ để vào núi Trường Sinh, sáng ra, lại bơi ra suối quanh quẩn bên cạnh đền Ngọc. Người già trong bản nói rằng đó chính là những binh lính của chàng rắn. Khi vị tướng tử trận, những binh lính này đã biến thành cá thần, để hàng ngày luôn được chầu bên đền Ngọc - nơi thờ vị tướng của họ.
Trước kia, để cảm ơn các vị thần linh đã phù hộ độ trì, mang lại cuộc sống no ấm, nhân dân làng Ngọc đã tổ chức các ngày lễ lớn như lễ Khai hạ được tổ chức vào ngày 8 tháng giêng, lễ Kỳ phúc vào ngày 15 tháng hai và lễ mừng cơm mới được tổ chức vào khoảng tháng 5 âm lịch khi mùa màng đã thu hoạch xong... Tuy nhiên, trước kia việc tổ chức các lễ hội này rất đơn giản, chủ yếu nặng về phần lễ nghi.
Gần đây, Vụ Văn hóa dân tộc, thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tiến hành khảo sát và phục dựng lại lễ hội khai hạ của người Mường làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy. Ngoài phần lễ với các nghi thức cúng tế đặc sắc, phần hội diễn ra nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống của người Mường.
Lễ hội Khai hạ của làng Ngọc chỉ diễn ra trong 2 ngày, nhưng việc chuẩn bị cho lễ hội phải làm trước đó cả tháng, với sự tham gia của cả cộng đồng. Ngoài việc tập luyện các trò chơi, trò diễn dân gian, thì gần đến ngày tổ chức lễ hội, các gia đình trong làng tự nguyện mang các sản vật đến đóng góp để làm các mâm lễ dâng lên thần.
Trong ngày đầu tiên diễn ra lễ hội Khai hạ, đúng 1 giờ sáng, một hồi kẻng nổi lên, dứt hồi kẻng, các loại nhạc cụ trống chiêng, thanh la, não bạt, tù và... của tất cả các gia đình cùng tấu lên rộn rã, âm thanh ấy kéo dài chừng 10 phút để báo hiệu một ngày mới - ngày quan trọng trong năm của làng Ngọc. Sau giờ phút nổi hiệu lệnh ấy, thanh niên trong làng ra bờ suối Ngọc dựng giá trống chiêng chuẩn bị làm lễ bắt cá, tế thần. Những người tham gia bắt cá tế thần được lựa chọn rất cẩn thận. Họ phải là những trai tráng khỏe mạnh, gia đình không có tang, cớ.
Khi trời sáng rõ, nhân dân làng Lương Ngọc tập trung hai bên bờ suối để dự lễ bắt cá tế thần. Các bô lão của làng Ngọc trong trang phục đẹp sẽ vào đền Ngọc thắp hương xin giờ tốt, để nổi cồng lệnh bắt cá thần. Sau khi xin được giờ tốt, một hồi cồng lệnh sẽ vang lên. Lúc này 2 bên bờ suối, trống chiêng đồng loạt nổi lên rộn rã, cuộc bắt cá dưới suối Ngọc bắt đầu. Thật kỳ lạ, nghe hồi trống cồng, cá sẽ chạy hết vào hang, con nào còn lại sẽ được bắt về làm vật cúng tế. Theo người dân làng Lương Ngọc, những con cá này là do thần linh ban cho để tế thần rắn.
Sau lễ bắt cá tế thần, làng Ngọc sẽ tiến hành lễ rước kiệu. Trong đoàn rước kiệu này, đi đầu là phường bùa, sau đó đến kiệu long đình và đội ngũ các cụ cao niên trong làng. Các mâm lễ vật cũng được rước ra để tế thần trong suốt những ngày diễn ra lễ hội Khai hạ. Lễ vật tế thần của làng Ngọc gồm 10 mâm cỗ, trong đó có 3 mâm hoa quả, còn lại 7 mâm cỗ mặn bao gồm: xôi đỏ, xôi trắng, xôi tím, thịt gà, thịt lợn, thịt trâu. Ngoài cỗ của làng, các gia đình cũng sắm cỗ riêng để thể hiện lòng thành kính đối với các vị thần linh. Trước đền thờ thần rắn, đội tế của làng tiến hành nghi thức tế thần, sau đó, ông Mo của làng Ngọc sẽ đọc bài Mo, cầu mong các vị thần linh phù hộ độ trì, mang lại mùa màng tốt tươi, dân khang vật thịnh, bản làng yên vui.
Trong lễ hội Khai hạ làng Ngọc, ngoài phần lễ trang nghiêm, phần hội diễn ra sôi nổi với các trò chơi dân gian truyền thống phong phú và độc đáo của dân tộc Mường như: bắn nỏ, đánh mẳng, đi cà kheo, dệt vải... Trong lễ hội Khai hạ này không thể thiếu được phần diễn tấu của phường bùa. Những âm thanh cồng chiêng do phường bùa diễn tấu khi trầm bổng, lúc sâu lắng dạt dào. Tiếng cồng chiêng âm vang trong lễ hội Khai hạ đầu năm như thúc giục tinh thần hăng say lao động sản xuất, xây dựng bản làng giàu đẹp của người dân làng Ngọc.
Chắt chiu đã mấy ngàn năm
Để bây giờ có âm thanh chiêng cồng
Trống dăm đã nổi vang lên
Cồng chiêng hòa nhịp tình thương dạt dào.
Trò chơi truyền thống độc đáo nhất trong lễ hội Khai hạ là trò chơi bắn cung. Trước kia, đàn ông trong làng Ngọc thường dùng những cây cung để săn bắt thú rừng. Ngày nay, việc săn bắn thú rừng không còn nữa, nhưng những người đàn ông làng Ngọc vẫn giữ lại những cây cung làm kỷ niệm và được dùng cho các trai tráng trong làng Ngọc đua tài.
Lễ hội Khai hạ của dân tộc Mường làng Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy là lễ hội xuống đồng, để khởi đầu cho một năm gieo trồng, chăn nuôi của cư dân người Mường. Qua lễ hội này, nhân dân làng Ngọc bày tỏ lòng thành kính đối với các vị thần linh, cầu mong các vị thần linh phù hộ độ trì cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt, làng bản ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, lễ hội Khai hạ làng Lương Ngọc được phục dựng đầy đủ không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, để cùng với vẻ đẹp thần kỳ của suối cá thần, làm cho nơi đây trở thành một điểm du lịch lý tưởng đối với du khách thập phương.