Non nước Việt Nam

Lầu Ông Hoàng (Phan Thiết)

Cập nhật: 21/05/2009 10:05:57
Số lần đọc: 2578
Lầu Ông Hoàng - một địa danh được nhiều người biết đến qua những vần thơ và những bài hát câu chuyện gắn với thi sĩ Hàn Mặc Tử. Lầu Ông Hoàng nằm trên đỉnh Bà Nài-Phan Thiết- như một điểm nhấn cho khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp nổi tiếng ở phía Nam Trung bộ, lưu giữ một nét ưu tư, trầm mặc cổ kính...

Bỏ lại những dãy phố sầm uất phía sau, lên đến đỉnh một con dốc đi về phía Mũi Né, sẽ thấy bảng hướng dẫn vào tham quan quần thể di tích lầu Ông Hoàng và tháp Chăm thờ công chúa Po Sah Inư phía bên phải. Ngọn đồi Bà Nài nằm nhô ra biển. Từ đỉnh đồi với lầu Ông Hoàng, du khách có góc nhìn đẹp nhất toàn cảnh thành phố Phan Thiết. Thành phố nằm trong một thung lũng khổng lồ. Phía sau là những dãy núi trùng điệp của cao nguyên Lâm Đồng mờ mờ trong những làn sương. Mặt trước của thành phố là mặt biển xanh biếc, nhấp nhô những ngọn sóng trắng đang lăn vào bờ. Mũi Né nằm ở phía đông-bắc, từ vị trí này cũng có thể nhìn thấy một dãy đất kéo dài ra biển như một cầu cảng lớn, che chở cho ngư dân trước sự hung hãn của những cơn bão lớn...

Cách đây non một thế kỷ, trong một chuyến đi săn công tước De Montpensier đã đặt chân lên đỉnh Bà Nài. Khi đó, nơi đây còn rất hoang vu. Dừng chân lại thật lâu thưởng thức từng vẻ đẹp của mỗi góc nhìn, ông quyết định xây dựng một dinh thự để nghỉ ngơi, vãn cảnh. Người dân địa phương ít người biết và gọi được tên ông nên gọi công trình đó là lầu Ông Hoàng để nhắc đến một người giàu có ở xứ Pháp xa xôi “bén duyên” với cảnh đẹp của đất trời Phan Thiết. Về sau, ngôi tháp này được sử dụng làm pháo đài. Ngày nay, du khách đến đây vẫn nhìn thấy những lô-cốt chìm nổi khu vực đỉnh đồi. Lầu Ông Hoàng hiện chỉ còn hình dáng của một công trình hộp thẳng đứng với những lỗ châu mai. Mọi thứ ở đây được giữ nguyên, không có sự can thiệp thô bạo nào của con người. Khi khai thác quần thể các di tích này, ngành du lịch địa phương xây dựng hạ tầng từ bãi giữ xe đến khu vực tháp Chăm. Riêng phần lầu Ông Hoàng thì vẫn giữ nét hoang sơ vốn có của nó - hoang tàn nhưng vẫn gợi chút gì đó của xa xưa, của một thời ánh trăng soi bóng thi nhân đến với không gian huyền ảo này...

Lầu Ông Hoàng là điểm hiếm hoi để có thể ngắm bình minh ửng hồng lên từ mặt biển và chìm khuất sau những dãy núi mờ xa lúc hoàng hôn. Thú vị hơn là vào những đêm trăng. Ánh trăng mười sáu vằng vặc làm mọi vật trở nên huyễn hoặc, mờ ảo. Tất cả như chìm trong một lớp sương mờ, như có như không. Những người đang yêu, say mê thiên nhiên, không khỏi cảm xúc trước non nước hữu tình này. Bởi thế, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã thường xuyên ca ngợi ánh trăng trên lầu Ông Hoàng. Nơi đây đã chứng kiến những giây phút đẹp của mối tình thi sĩ và bao nhiêu mối tình khác nữa. Đẹp đến mơ hồ. Bởi thế, nhiều người bảo chưa đến lầu Ông Hoàng ban đêm vào đêm trăng là chưa đến Phan Thiết. Tình cảm của con người có nhiều cung bậc. Đêm trăng trên lầu Ông Hoàng có lẽ là cung bậc tuyệt đỉnh chỉ có được ở những người lỡ-đem-lòng-yêu Phan Thiết!

Người ta biết nhiều về lầu Ông Hoàng qua thi ca, truyền tụng nhau về vẻ đẹp đêm trăng của nó, nhưng thực sự đến nhật thực toàn phần năm 1995, nơi đây mới được khơi gợi như một nàng công chúa được đánh thức sau một giấc ngủ dài. Ngày 24-10-1995, Phan Thiết là nơi ngắm nhật thực toàn phần hoàn chỉnh nhất trên thế giới. Hàng vạn người là các nhà khoa học, du khách nước ngoài và nhiều nhất là du khách Việt Nam từ khắp mọi miền đất nước tụ về đây để chứng kiến sự kiện hiếm hoi này. Lầu Ông Hoàng, Mũi Né là những nơi tập trung đông người nhất. Du lịch Bình Thuận từ đó phát triển với tốc độ chóng mặt. Dưới chân lầu Ông Hoàng phía biển, hàng loạt các resort chạy dài đến Mũi Né, qua Gành đến Hòn Rơm. Tất cả tạo nên một không gian du lịch rộng lớn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Du khách rất thích thú đến đây để lướt ván, lướt sóng, chơi dù lượn... dưới cái nắng-gió quanh năm của vùng biển luôn mát mẻ này.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT