Non nước Việt Nam

Du lịch đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh

Cập nhật: 21/05/2009 15:05:22
Số lần đọc: 4284
Nửa thế kỷ đã trôi qua, kỳ tích đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - "Con đường huyền thoại" trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn còn nguyên những giá trị lịch sử. Con đường ấy hiện là huyết mạch giao thông phát triển kinh tế- xã hội của đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời cũng là tuyến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và ngoài nước, nối miền trung - Tây Nguyên đến tận các tỉnh miền đông Nam Bộ.

Du lịch đường Trường Sơn nhằm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, thông qua việc tổ chức các chương trình du lịch về nguồn, thăm lại chiến trường xưa; lôi cuốn du khách nước ngoài quan tâm tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, đặc biệt là những cựu binh Mỹ và thân nhân của họ; góp phần tăng nguồn thu cho đất nước, phát triển vùng sâu, vùng xa, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các dân tộc thiểu số dọc Trường Sơn. Những năm gần đây, nhất là sau khi đường Hồ Chí Minh hoàn thành, nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế và của địa phương trong vùng đã thiết lập các tua du lịch đường Trường Sơn. Một số tour chuyên đề: Du lịch mô-tô, xe đạp, ô-tô, du lịch hang động, sinh thái, leo núi, đi bộ... được đưa vào khai thác. Phần lớn các chương trình tập trung vào đoạn đường Trường Sơn và các di tích chiến tranh thuộc Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế cùng những tua du lịch có gắn với di tích căn cứ, trận chiến khốc liệt thuộc khu vực Tây Nguyên thời chiến tranh, bao gồm cả các điểm tham quan thuộc địa bàn Tây Ninh, Bình Phước, miền đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh. Có thể kể đến khu vực trung bộ với: Ðiểm Km số 0 đường Hồ Chí Minh tại Tân Kỳ (Nghệ An), Ngã ba Ðồng Lộc, Khe Ve, Phà Long Ðại, Phà Xuân Sơn, Làng Ho, sân bay Khe Cát, động Phong Nha, rừng nguyên sinh Kẻ Bàng, đèo Mụ Giạ, Chỉ huy sở Bộ đội 559 (Quảng Bình), Ðịa đạo Vĩnh Mốc, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cửa Tùng, cảng Cửa Việt, cồn Tiên, Dốc Miếu, tìm hiểu hàng rào điện tử Mác Na-ma-ra, Khe Sanh, Tà Cơn, làng Vây, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, cầu Ðác Rông, căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam... (Quảng Trị), các thắng cảnh, di tích lịch sử, bản dân tộc Vân Kiều, Pa Cô tại Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế... Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có di tích địa đạo Ðám Toái-Bình Châu, di tích chống giặc càn quét Vạn Tường, căn cứ Chu Lai, Núi Thành, Buôn Ðôn, Hồ Lắc, Biển Hồ, căn cứ Plây-Me, Thủy điện Ya Ly, Ðức Cơ, thung lũng Iadrăng, Ðác Tô-Tân Cảnh, Sân bay Phượng Hoàng, đồi Charlie, Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên, ngã ba biên giới, Nhà thờ gỗ Kon Tum; các buôn làng dân tộc Tây Nguyên. Khu vực Ðông Nam Bộ là: cứ điểm Trung ương Cục miền nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước (Xa Mát), núi Bà Ðen, hồ Dầu Tiếng, Bộ Tư lệnh miền ở Tà Thiết, Nhà Giao tế Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Lộc Ninh, nơi diễn ra Hội nghị bốn bên, sân bay Lộc Ninh, điểm cuối đường Hồ Chí Minh tại ngã ba Lộc Tấn thuộc tỉnh Bình Phước, Bảo tàng đường Hồ Chí Minh tại Lộc Ninh, đường ống xăng, dầu tại Bù Gia Mập, Bù Ðăng, Bù Ðốp, di tích điểm gặp gỡ giữa liên lạc Ðoàn 559 và B90 trên đường 14 vào năm 1960, v.v.

 

 

Nguồn: VnMedia

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT