Hoạt động của ngành

Xây dựng Khánh Hòa thành một trung tâm du lịch biển

Cập nhật: 11/06/2009 09:06:19
Số lần đọc: 2336
Hội tụ những điều kiện thuận lợi về tự nhiên con người, qua quá trình 20 năm đầu tư phát triển du lịch, Khánh Hòa đang từng bước hướng tới thành một trung tâm du lịch biển mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.  Tuy nhiên, du lịch Khánh Hòa cũng đang gặp phải không ít trở ngại và những khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần có những giải pháp khắc phục đồng bộ.

 

Khai thác thế mạnh tiềm năng

 

Với chiều dài 385 km bờ biển, trong đó có gần 100 km bãi cát trắng mịn, khoảng 200 hòn đảo lớn, nhỏ, nhiều vũng, vịnh kín, địa thế Khánh Hòa từ lâu đã nổi tiếng bởi cảnh quan đẹp, thuận lợi trong phát triển kinh tế biển nói chung và du lịch biển nói riêng. Bên cạnh đó là lợi thế vượt trội về khí hậu với nắng ấm gần như quanh năm và nhất là ít phải chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bão.  Ðây cũng là khu vực nằm trên trục giao thông của quốc lộ 1A, tuyến đường sắt huyết mạch xuyên Việt và quốc lộ 26 nối với các tỉnh Tây Nguyên, có sân bay và sáu cảng biển thông ra hải phận quốc tế, nối liền Khánh Hòa với các vùng khác của Việt Nam và thế giới.

 

Những yếu tố nêu trên là điều kiện thuận lợi để Khánh Hòa được chọn là một trong mười trung tâm du lịch quốc gia cần tập trung đầu tư trong chiến lược phát triển của du lịch Việt Nam; đồng thời là cơ sở nền tảng tạo dựng các loại hình du lịch biển, hình thành các tuyến, điểm, khu du lịch với nhiều sản phẩm thu hút khách. Những năm gần đây, du lịch Khánh Hòa có bước chuyển mình mạnh mẽ với nhiều thành tựu khá ấn tượng và được đánh giá là "ngành công nghiệp không khói" mạnh nhất của khu vực duyên hải miền trung. Cùng thời gian này, Vịnh Nha Trang đã vinh dự trở thành thành viên thứ 29 của Câu lạc bộ các Vịnh biển đẹp thế giới và sau đó được công nhận là danh thắng cấp quốc gia.

 

Thương hiệu du lịch biển Nha Trang - Khánh Hòa đã và đang từng bước được khẳng định trong "bản đồ du lịch" trong và ngoài nước. Tại đây, đã và đang có nhiều dự án về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nhiều khu vui chơi, giải trí mang tầm quốc gia, quốc tế được đầu tư xây dựng với quy mô lớn đi vào hoạt động như: Khu du lịch, vui chơi Vinpearl Land, khu nghỉ dưỡng cao cấp Sunrise, khu du lịch sinh thái Evaso Hideaway at Ana Mandara, khu du lịch tổng hợp Sông Lô, v.v. Theo định hướng phát triển, nhiều dự án du lịch biển đang tiếp tục được xây dựng, hướng tới phục vụ đối tượng khách cao cấp, có khả năng chi tiêu cao nhằm phát huy hiệu quả từ lợi thế về tài nguyên du lịch biển, đảo.

 

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư Khánh Hòa, tổng vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp du lịch và dịch vụ thương mại, tính trên các dự án thực tế đã được cấp phép hoặc đang triển khai các thủ tục hiện đã lên tới hơn 14.802 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong sáu năm chuyển giao đầu thế kỷ này, số lượng phòng khách sạn trên toàn tỉnh tăng gần 242 %, đáp ứng phần nào nhu cầu đang ngày càng tăng của du khách. Một thí dụ điển hình cho sức lôi cuốn đầu tư của du lịch Khánh Hòa là những dự án trên "con đường vàng" Trần Phú của Nha Trang và "đại lộ du lịch" Nguyễn Tất Thành, dài 37km, nối bán đảo Cam Ranh và sân bay Cam Ranh với TP Nha Trang, xóa bỏ khoảng cách giữa hai trung tâm du lịch biển nổi tiếng của Khánh Hòa. Sau khi đường hoàn thành, 17 dự án du lịch biển tại bắc bán đảo Cam Ranh đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang triển khai thực hiện các bước tiếp theo với tổng vốn đăng ký 7.438 tỷ đồng.

 

Không chỉ khai thác thế mạnh biển, đảo, Khánh Hòa còn hướng tới xây dựng những sản phẩm du lịch mang tầm cỡ quốc tế và quốc gia từ việc tổ chức các sự kiện văn hóa như cuộc thi Hoa hậu quốc tế và trong nước và nhất là Festival Biển Nha Trang định kỳ hai năm/lần. Ðáng chú ý là toàn bộ các hoạt động trên đều được tổ chức theo phương thức xã hội hóa. 

 

Từ cơ sở nền tảng phát triển của một trung tâm du lịch biển, Khánh Hòa đã và đang trở thành điểm đến thu hút đông khách quốc tế và trong nước vào mùa hè hay các dịp nghỉ lễ. Năm 2008, toàn tỉnh đã đón hơn 1,6 triệu lượt khách, tăng 17,4% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế là 330 nghìn lượt, tăng 17% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu hoạt động du lịch và dịch vụ ước đạt 1.282 tỷ đồng, tăng 31,4%. Lượng khách quốc tế trên tổng lượng khách du lịch đến đây cũng cao gấp hai lần mức trung bình của cả nước (1-3 so với 1-6). Có thể nói, việc khai thác đúng hướng những thế mạnh tiềm năng đang giúp du lịch Khánh Hòa vươn lên dẫn đầu khu vực miền trung với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 16%, khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, đóng góp nhiều cho ngân sách, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp trên địa bàn tỉnh.

 

Khó khăn và vướng mắc

 

Một thời gian dài trước đây, du lịch Khánh Hòa chỉ chú tâm khai thác những tiềm năng sẵn có mà ít quan tâm công tác bảo tồn. Ðiều này có thể thấy rõ qua việc quản lý và khai thác các tài nguyên du lịch biển, đảo, đặc biệt là bảo tồn, giữ gìn môi trường sinh thái biển, nền tảng cơ sở phát triển của du lịch Khánh Hòa. Ðây là một vấn đề khá "nóng" bởi sự phát triển quá nhanh, mang tính đại trà, thiếu quản lý chặt chẽ của du lịch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường biển. Tuy hoạt động khai thác du lịch vẫn nằm trong giới hạn sinh thái của vùng như đánh giá của các nhà khoa học, nhưng hiện tại khả năng quá tải du khách đang là một thực tế, nhất là vào những tháng cao điểm, gây ô nhiễm môi trường nước biển và bờ biển Nha Trang. Ðiều này sẽ để lại ấn tượng xấu cho du khách, khiến họ không muốn quay trở lại hoặc không còn xem Nha Trang - Khánh Hòa là một điểm đến nghỉ dưỡng biển. 

 

Tình trạng khai thác tài nguyên du lịch ở Khánh Hòa thời gian qua cũng đang trong tình trạng mất cân đối. Tuy đã có sự thống nhất, phối hợp giữa các ngành và chủ thể quản lý, khai thác các danh lam thắng cảnh ở Khánh Hòa, nhưng nhiều nơi vẫn chưa có được quy chế quản lý, giám sát thống nhất. Việc khai thác các tài nguyên du lịch ở một số nơi chưa gắn liền với quy hoạch, thiếu các định hướng phát triển lâu dài, nên chưa phát huy đúng ý nghĩa, chức năng của từng điểm và cụm du lịch. Hoạt động lấn biển, xây dựng các công trình ven biển, trên đảo chưa hợp lý, gây nhiều sức ép và quá tải, làm cho việc quản lý phát triển bền vững vùng biển ven bờ không hiệu quả. Thực hiện các dự án ở nhiều khu du lịch vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là ở công tác đền bù giải tỏa với hiện tượng nhiều nhà đầu cơ nhảy vào mua đất và đẩy giá lên cao hơn thực tế khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn. 

 

Một yếu tố hạn chế sự phát triển của du lịch biển Khánh Hòa hiện nay là chưa có cảng du lịch chuyên dụng. Việc dùng chung cảng du lịch với cảng hàng hóa khiến việc tiếp đón và phục vụ du khách chưa thể hiện tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch, đặc biệt là trong đón tiếp đối với tàu du lịch biển quốc tế lớn, có số hành khách đông và nhiều quốc tịch khác nhau.

 

Sức hấp dẫn của du lịch tỉnh cũng bị ảnh hưởng tiêu cực do ý thức chưa cao của người dân trong thực hiện văn hóa dịch vụ. Vẫn còn hiện tượng như nạn móc túi, tội phạm trên đường phố đối với du khách nước ngoài, chủ yếu là về khuya tại khu vực bờ biển. Mặt khác, tệ nạn môi giới, "cò cuốc" chèo kéo khách để bán tua và tình trạng bán hàng rong   tồn tại đã để lại hình ảnh không đẹp về điểm đến. Quản lý giá cả cũng chưa chặt chẽ, thường xảy ra tình trạng ép giá, khan hiếm buồng phòng giả tạo vào các kỳ lễ hội do các cơ sở lưu trú đầu cơ phòng, làm giá hoặc đẩy giá lên cao, bất chấp những quy định của UBND tỉnh về việc bình ổn giá phòng.  

 

Công tác xúc tiến quảng bá du lịch tuy đã được các cấp, các ngành và doanh nghiệp quan tâm, nhưng thiếu tính chuyên nghiệp, chưa chủ động xây dựng chiến lược xúc tiến một cách bài bản. Thương hiệu về thành phố chuyên tổ chức các sự kiện du lịch biển chưa thật ấn tượng sau ba lần tổ chức Festival Biển bởi chưa có một dáng vẻ riêng khác với các sự kiện tương tự tổ chức tại các thành phố du lịch biển khác ở nước ta.

 

Cùng với sự tăng trưởng của ngành du lịch, đã diễn ra tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề và chuyên môn cao. Nhiều lao động trong ngành du lịch hiện chưa có chứng chỉ đào tạo nghề nghiệp và đang rất cần được đào tạo lại. Mặt khác, học viên tốt nghiệp từ các cơ sở đại học, trường dạy nghề, phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, thiếu kỹ năng nghiệp vụ và yếu về ngoại ngữ giao tiếp. Tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn khi các khách sạn xây mới ngày càng nhiều và lượng du khách đến Nha Trang tăng. Theo dự báo, trong vòng hai năm nữa, Khánh Hòa phải đào tạo thêm khoảng gần 6.000 lao động trực tiếp mới đủ nhân lực cho kế hoạch năm 2010.

 

Một số Ðịnh hướng và giải pháp

 

Từ năm 2001, tỉnh Khánh Hòa đã thông qua chương trình Phát triển du lịch giai đoạn 2001- 2010 với sáu nội dung lớn được đánh giá là một trong những chương trình kinh tế đạt hiệu quả tương đối tốt của tỉnh. Tỉnh cũng đã thông qua việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch định hướng đến năm 2020, phấn đấu tăng tỷ trọng ngành dịch vụ - du lịch lên khoảng 47% tổng sản phẩm xã hội toàn tỉnh, đón được 3,4 triệu lượt du khách.  Theo định hướng quy hoạch, TP Nha Trang sẽ trở thành đô thị du lịch biển "chuyên tổ chức các sự kiện quốc gia, quốc tế" với cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách.  Cùng với Nha Trang, cụm thị xã Cam Ranh, khu đô thị Cam Lâm và vùng phụ cận sẽ khởi công một số dự án lớn thuộc các khu du lịch. Cụm khu vực Dốc Lết, vịnh Vân Phong sẽ tập trung đầu tư ở các dự án khu đô thị ven biển Tu Bông, các dự án du lịch sinh thái biển và giải trí cao cấp Hòn Ngang, Bãi Cát Thấm, Hồ Na - Cột Buồm và dự án khu du lịch Ðại Lãnh. 

 

Ðể thực hiện những định hướng phát triển du lịch bền vững, Khánh Hòa đã và đang xây dựng những chính sách đầu tư và quy hoạch dự án phù hợp nhằm mang lại những tác động tích cực đối với công tác bảo tồn sinh thái và môi trường sống của cộng đồng dân cư. Ðể đạt được điều đó, trước hết cần phải có giải pháp bảo vệ môi trường biển và khai thác vịnh Nha Trang một cách hợp lý; thực hiện cam kết bảo vệ môi trường biển, không xả rác xuống biển; tuyên truyền, giáo dục cộng đồng dân cư. Bên cạnh việc tạo dựng cảnh quan sạch đẹp, tỉnh đã chú trọng hơn trong việc bảo vệ môi trường biển, bảo vệ các rạn san hô, thảm cỏ biển. Ðầu năm 2008, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng không cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình mới lấn biển khi chưa được cơ quan chuyên quản lý về di sản văn hóa phê duyệt; yêu cầu các chủ đầu tư, nếu chưa đủ thủ tục pháp lý, phải tạm dừng thi công. Ðối với các công trình đã xây dựng nhưng có vi phạm, thực hiện ngay việc bồi hoàn thảm thực vật để giữ gìn cảnh quan thiên nhiên của vịnh.

 

Bên cạnh việc bảo đảm tốt môi trường tự nhiên, xã hội để phát triển du lịch, ngành du lịch tỉnh phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đẩy mạnh đầu tư khai thác ở các điểm du lịch mới, nâng cao chất lượng và hạ tầng du lịch. Có kế hoạch quảng bá du lịch Khánh Hòa trên cả nước và trên các thị trường du lịch lớn của thế giới như châu Âu, Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, LB Nga... Làm tốt công tác quảng bá, nâng cao chất lượng cũng là giải pháp để ngành du lịch Khánh Hòa giữ vững được sự ổn định trong tình hình khủng hoảng biến động. Quan trọng nhất là phải đưa ra những biện pháp liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ để tạo sự đồng thuận và đưa ra cam kết trong việc giải quyết các vấn đề về mặt bằng giá. Tỉnh  khuyến khích đầu tư tạo sản phẩm, nâng cao tính chuyên nghiệp của các loại hình dịch vụ du lịch; xây dựng thương hiệu du lịch Nha Trang- Khánh Hòa, tuyên truyền gắn với danh hiệu Vịnh biển đẹp được công nhận của thế giới và tổ chức tốt các kỳ "Festival Biển" hai năm một lần...

 

Theo định hướng thị trường phục vụ khách cao cấp, để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực có trình độ kỹ năng nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu về lao động cho các doanh nghiệp, ngành du lịch tỉnh đang xây dựng mô hình liên kết đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức lại các khóa đào tạo, tăng cường sự liên kết trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, giữa nhà trường với doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước, thực hiện định hướng trong quy hoạch đào tạo phù hợp quy hoạch phát triển ngành.

 

Khai thác tối đa thế mạnh tài nguyên và các điều kiện đầu tư ưu đãi, xây dựng các sản phẩm và loại hình du lịch biển phong phú, trong sạch và bền vững, chắc chắn trong tương lai không xa, Khánh Hòa sẽ trở thành một trung tâm du lịch biển phát triển mang tầm cỡ khu vực và thế giới.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục