Đà Nẵng thu hút du khách bằng chất lượng khách sạn
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), hiện thành phố có 148 khách sạn với hơn 4.400 phòng. Trong đó, các khách sạn được xếp hạng 5 sao gồm có Khu nghỉ dưỡng Furama, Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai Plaza; 4 sao có Green Plaza, Khu nghỉ dưỡng Sandy Beach và 10 khách sạn 3 sao, 13 khách sạn 2 sao, 10 khách sạn 1 sao. Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2009, đã có hơn 482 nghìn lượt khách đến thành phố Đà Nẵng, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 1/3.
Đánh giá về chất lượng phòng cũng như dịch vụ tại các khách sạn thuộc nhóm “sao”, bà Dương Thị Thơ, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở VH-TT&DL thành phố cho biết: Từ năm 2007 đến nay, tại Đà Nẵng đã có một số khách sạn được đầu tư lớn đưa vào hoạt động, điển hình như Hoàng Anh Gia Lai Plaza tại khu vực trung tâm thành phố, khách sạn Green Plaza được đầu tư mới, khang trang, tọa lạc bên bờ sông Hàn và một loạt khách sạn mới đưa vào hoạt động, đã làm thay đổi hẳn diện mạo thành phố.
Đến nay, nhóm khách sạn 3 sao theo chuẩn mới như Saigontourane, Bamboo Green Riverside, Golden Sea, Pacific, Phương Đông, Bạch Đằng, Minh Toàn, Danang Riverside… đã và đang được đầu tư nâng cấp và triển khai nhiều dịch vụ nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách. Hiện tại, các khách sạn, khu resort ven biển đã đáp ứng được nhu cầu của du khách với số lượng lớn.
Tuy nhiên, với khách sạn 5 sao nằm trong khu vực thành phố, nếu tập trung cùng thời điểm một lượng khách lớn có nhu cầu lưu trú tại nhóm khách sạn này, xem ra chưa thể đáp ứng. Vì thế, nhiều đề xuất đưa ra là thành phố nên bố trí quỹ đất cho các nhà đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao tại khu vực trung tâm thành phố.
Từ sau những sự kiện lớn được tổ chức và diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, đã có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về môi trường du lịch cũng như chất lượng dịch vụ khách sạn. Qua thông tin trên các trang web, nhiều du khách đã từng lưu trú ở các khách sạn bày tỏ sự hài lòng, song có không ít người cho rằng: Một số ít khách sạn hiện nay chạy đua quảng bá, nhưng thực tế đem lại cho họ không được như ý. Đó là khả năng ứng xử của một số nhân viên không chuyên nghiệp, đôi khi còn đôi co với khách. Anh Peter Lawer, một du khách Anh từng trao đổi: “Tôi không thể hiểu nổi tại sao khi khách sạn thông báo không tính tiền các bữa điểm tâm trong hóa đơn, nhưng khi trả phòng, lễ tân lại cho tôi kết quả ngược lại”.
Nhìn chung, trong vài năm gần đây, không chỉ các khách sạn có thương hiệu mới tập trung đầu tư, nhận thấy tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này, mà hầu hết các khách sạn đạt chuẩn “sao” đều đang gấp rút nâng cấp cải tạo điểm lưu trú, khu nghỉ dưỡng với quy mô lớn, chất lượng tốt hơn hẳn. Để nâng cao khả năng cạnh tranh, nhiều vấn đề đặt ra cho các khách sạn là nguồn nhân lực trình độ cao, nguồn vốn phải được đầu tư nhiều hơn trong thời gian tới.