Hoạt động của ngành

Yên Bái khai thác tiềm năng du lịch

Cập nhật: 12/06/2009 14:36:56
Số lần đọc: 2147
Là tỉnh miền núi, Yên Bái có tiềm năng du lịch lớn bởi nhiều cảnh đẹp thiên nhiên với nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Dao, Nùng. Làm thế nào để đánh thức tiềm năng du lịch này?

Mấy năm gần đây, TP Yên Bái phát triển khá mạnh với dáng vẻ của một đô thị miền núi. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên từ khu trung tâm bằng phẳng lên cả trên sườn núi cao. Những con đường nhựa phẳng phiu uốn lượn, hai bên đường là những cửa hàng cửa hiệu bán đủ các mặt hàng công nghiệp và hàng nông, lâm sản của núi rừng. Ban đêm cả thành phố rực rỡ trong ánh điện, những ngọn đèn cao áp lấp lóa trong các lùm cây trên lưng chừng núi.

 

Mạng lưới du lịch của Yên Bái có thể hình dung những tuyến chính: Từ TP Yên Bái đi gần 20 km là đến hồ Thác Bà. Ðây là hồ nhân tạo của Nhà máy thủy điện Thác Bà. Trên diện tích hàng nghìn ha, những ngọn núi ngâm mình trong nước mênh mông, tạo thành khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Trong quần thể hồ Thác Bà từ Yên Bình đến Lục Yên đã phát hiện hàng chục hang động đẹp, trong đó có hang Hùm, sức chứa hàng nghìn người và chính nơi đây đã tìm thấy dấu tích của người Việt cổ. Rồi các động Thủy Tiên, Xuân Long với nhũ đá rủ xuống muôn hình vạn trạng rất đẹp gắn với nhiều câu chuyện huyền thoại hấp dẫn. Những dãy núi quanh bờ cũng có sự tích ly kỳ cùng nhiều đền chùa, miếu mạo. Cảnh quan và không khí nơi đây rất thuận lợi cho loại hình du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Từ TP Yên Bái đi về phía tây gần 80 km đến cánh đồng Mường Lò rộng mênh mông bát ngát cho đến tận chân dãy núi trùng điệp xa xa, mùa lúa vàng tạo thành một bức tranh hoành tráng đầy thi vị. Vượt qua cánh đồng là đến thị xã Nghĩa Lộ, bên cạnh những dãy phố hiện đại, thị xã vẫn giữ được nhiều nhà cổ của đồng bào dân tộc Thái cùng những khung dệt thổ cẩm vang lên lách cách. Nhiều bản vẫn giữ được bản sắc gốc của người Thái từ cách ăn, mặc, sinh hoạt đến việc cưới xin, ma chay, tế lễ...

 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn nơi đây cùng với Hội An để xây dựng thị xã văn hóa. Chị Lò Thị Huân, cán bộ phụ  trách văn hóa thị xã cho biết: "Nghĩa Lộ là một trong những nơi giữ được nhiều nhất nét văn hóa cổ của đồng bào dân tộc Thái". Vừa qua, ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được công nhận là thắng cảnh quốc gia. Vùng chè san tuyết Suối Giàng ở đây cũng rất độc đáo với những cây chè cổ thụ, có cây hàng trăm năm tuổi, thật thú vị khi thấy các cô gái đeo gùi trèo lên các cành cây để hái chè. Chè san tuyết như ngậm lại tinh khí của trời đất, cho nên có hương vị đậm đà, tinh khiết. Chè Suối Giàng đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.

 

Chỉ phác qua con đường du lịch trong tỉnh Yên Bái có thể thấy những điểm đến đầy tiềm năng, nhưng cho đến nay, du lịch Yên Bái chưa phát triển, số lượng du khách đến Yên Bái còn quá ít so với tiềm năng. Ðồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Xuân Lộc cho biết: "Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm việc phát triển du lịch để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh có nhiều tiềm năng nhưng phải đầu tư mới khai thác được tiềm năng ấy. Cho nên, phải có chiến lược phát triển du lịch lâu dài không thể ngay một lúc làm được mà phải có bước đi thích hợp. Yên Bái cần nhanh chóng khắc phục tình trạng thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài còn nhiều hạn chế, đạt mức thấp, chuyển biến chậm. Chưa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dự án đầu tư đăng ký nhiều, vốn lớn nhưng thực hiện và giải ngân còn chậm. Ðầu tư cho lĩnh vực dịch vụ du lịch chưa thỏa đáng.

 

Trong quá trình đầu tư cho du lịch, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến đặc trưng của điểm du lịch, phải khai thác thật tốt nét độc đáo của địa phương như cảnh đẹp thiên nhiên, bản sắc văn hóa vì mục đích của du khách là tìm đến vùng đất mới lạ, khám phá những nét riêng hấp dẫn". Rõ ràng để đánh thức tiềm năng, khai thác thế mạnh du lịch, Yên Bái cần đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực này. Trước hết, đầu tư giao thông để du khách đến các điểm du lịch nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, xóa đi mặc cảm đường miền núi khó đi, trắc trở dễ xảy ra tai nạn. Sắp tới có con đường cao tốc từ Lào Cai qua Yên Bái đi Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh là cơ hội tốt để du khách đến Yên Bái. Ở các khu du lịch phải dần dần hình thành khâu dịch vụ mang tính chuyên nghiệp như nhà hàng, khách sạn, nơi vui chơi giải trí, các sản phẩm văn hóa - du lịch mang tính đặc trưng của địa phương.

 

Rất mừng là cơ cấu kinh tế của Yên Bái tiếp tục chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng nông, lâm nghiệp 35,05%, công nghiệp 34,9%, dịch vụ 33,02%. Bảo tồn cảnh đẹp thiên nhiên và bản sắc văn hóa của các dân tộc, Nghĩa Lộ đã kiên quyết dỡ bỏ những ngôi nhà mới xây trên cánh đồng Mường Lò, giữ lại những ngôi nhà Thái cổ trong quá trình xây dựng đô thị, phát triển nghề thổ cẩm, giữ gìn phong tục tập quán, các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số... Ðó là những việc làm cần phát huy và nhân rộng. Trong quá trình thực hiện chiến lược du lịch thì việc quy hoạch các điểm du lịch là rất quan trọng bởi vì, có khoanh vùng du lịch mới bảo vệ được tiềm năng của nó, tránh tình trạng xây dựng bừa bãi, phá bỏ vốn văn hóa quý báu được lưu giữ từ lâu đời.

 

Ðể thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế cho du lịch Yên Bái, ngoài chính sách ưu đãi của tỉnh còn rất cần sự quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương. Cảnh đẹp thiên nhiên, cuộc sống con người, bản sắc văn hóa của những vùng đất nổi tiếng ở Yên Bái cần được quảng bá rộng rãi. Tổ chức những sự kiện văn hóa du lịch tại các địa phương trong tỉnh. Yên Bái nằm trong Chương trình du lịch về cội nguồn là dịp quảng bá hình ảnh của mình đồng thời liên kết với Phú Thọ, Lào Cai để xây dựng những tua du lịch đa dạng, phong phú. Ðầu tư tốt, nhất định Yên Bái sẽ đánh thức được tiềm năng du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Nguồn: NDĐT

Cùng chuyên mục