TP.HCM: Khai thác những sản phẩm du lịch thế mạnh
Tăng trưởng ổn định
Trong hơn 2 năm qua, du lịch TP.HCM tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Lượng khách quốc tế đến TP năm 2007 ước đạt 2,65 triệu lượt, tăng 12 % so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 45 % so với năm 2006.
Riêng năm 2008, do chịu tác động của lạm phát trong nước và suy giảm kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng của du lịch TPHCM có chậm lại, lượng khách quốc tế đến TPHCM đạt 2,8 triệu lượt, tăng 3,7% so cùng kỳ. Điểm đặc biệt là chất lượng tăng trưởng thể hiện khá rõ nét với việc loại hình khách du lịch hội nghị - hội thảo - triển lãm (MICE) có xu hướng tăng, góp phần tăng doanh thu cho du lịch nói riêng và kinh tế thành phố nói chung.
Công tác quảng bá xúc tiến, giới thiệu hình ảnh điểm đến TP.HCM có nhiều chuyển biến rõ nét thông qua việc tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại thành phố (TP) và ở nước ngoài. Ngành du lịch TP khai thác lợi thế của các hãng hàng không, báo chí quốc tế để tổ chức nhiều đoàn Famtrip, Press trip và nhất là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nâng tầm và tổ chức tốt một số sự kiện tại TP, thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp du lịch quốc tế hàng đầu. Tiêu biểu là Triển lãm quốc tế du lịch TP.HCM và một số sự kiện góp phần kích cầu du lịch nội địa như: Ngày hội Du lịch, Lễ hội Trái cây Nam bộ, Lễ hội đường hoa Nguyễn Huệ, Liên hoan Món ngon các nước. Đặc biệt là mô hình chương trình dịch vụ du lịch đạt chuẩn (điểm mua sắm và điểm ăn uống đạt chuẩn du lịch) được triển khai từ năm 2006 là một sáng kiến độc đáo của TP được Bộ VHTT&DL thống nhất nhân rộng mô hình cả nước và đưa vào Luật Du lịch.
Cùng với công tác quảng bá xúc tiến, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP.HCM còn thể hiện vai trò năng động trong quá trình hội nhập, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành du lịch TP thông qua việc tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá sản phẩm du lịch phù hợp với thu nhập xã hội, bên cạnh những tour mở - thu hút khách phổ thông đã xuất hiện ngày càng nhiều tour cao cấp hướng đến dòng khách thương gia có mức chi tiêu cao, phục vụ loại hình du lịch hội nghị - hội thảo (MICE) ở một số doanh nghiệp hàng đầu như: công ty dịch vụ lữ hành Saigon Tourist, Công ty Fidi Tourist, Bến Thành Tourist... ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý môi trường và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm, góp phần bảo vệ môi trường.
Phương thức quảng bá, chào bán sản phẩm qua mạng đã được hầu hết các doanh nghiệp lữ hành lớn, khách sạn từ 3 - 5 sao áp dụng, một số doanh nghiệp còn chú trọng xây dựng những trang web chuyên đề cho từng loại thị trường như: Công ty dịch vụ lữ hành Saigon Tourist với các trang web theo mùa; Công ty Vietravel với trang web www.travel.com.vn là một trong những doanh nghiệp du lịch đầu tiên ở Việt Nam thực hiện bán tour qua mạng. Xu hướng liên kết doanh nghiệp lữ hành trong ngành để tăng chất lượng phục vụ và sức cạnh tranh đang phát triển mạnh không chỉ giữa các doanh nghiệp lớn mà còn khá phổ biến ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp du lịch còn chủ động bắt tay liên kết với các tập đoàn lớn có thương hiệu mạnh trên thế giới để hỗ trợ phát triển, khai thác thị trường hai bên, tạo nguồn khách ổn định.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Bước vào năm 2009, hưởng ứng chương trình hành động của Bộ VHTT&DL nhằm tăng cường thu hút khách quốc tế và thúc đẩy du lịch nội địa, ngành Du lịch TP.HCM đưa ra các giải pháp mang tính cấp bách như: Xây dựng gói sản phẩm khuyến mãi thông qua liên kết các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn với hàng không và dịch vụ khác tạo thành những tour thu hút khách quốc tế và khách du llịch nội địa với giá tour giảm từ 20 đến 40%; triển khai chương trình “TP.HCM - 100 điều thú vị” bao gồm: 10 khách sạn mang ấn tượng Việt Nam, 10 nhà hàng Việt Nam đặc sắc, 10 hãng vận chuyển uy tín, 10 món ăn Việt được ưa thích nhất, 10 đặc sản được ưa chuộng nhất, 10 điểm tham quan tiêu biểu, 10 điểm mua sắm được ưa thích, 10 chương trình tour thú vị, 10 điểm giải trí được ưa thích và 10 sự kiện tiêu biểu.
Về thị trường, ngành du lịch TP.HCM xác định nhóm 5 thị trường cần tập trung quảng bá đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp & Tây Âu, Australia và ASEAN; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác quy hoạch đầu tư - phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái Cần Giờ, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của ngành do Tổng công ty Du lịch Sài Gòn làm chủ đầu tư. Ngoài ra, TP còn chú trọng quảng bá ra thông qua các chuyến Farm Trip cho các hãng lữ hành - nhà báo quốc tế; phối hợp với các tỉnh, thành trong nước và các nước trong khu vực tổ chức tốt các sự kiện lễ hội ngay tại TP nhằm kích cầu du lịch nội địa; tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch trong nước gặp gỡ, liên kết, chào bán sản phẩm với các doanh nghiệp quốc tế. Thường xuyên duy trì chương trình truyền hình du lịch với chủ đề “Du lịch và cuộc sống” trên kênh HTV9, giới thiệu du lịch TP trên kênh truyền hình quốc gia như: VTV2, VTV9.
Sản phẩm để thu hút khách du lịch đến TP.HCM là một bài toán được đặt ra không chỉ đối với riêng ngành du lịch mà còn đòi hỏi sự tham gia của các ngành, địa phương có liên quan. Năm 2009 là năm nền kinh tế nước ta tiếp tục hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, do đó ngành du lịch sẽ cùng với các ngành, quận, huyện xây dựng và tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa du lịch, đa dạng hóa và nâng chất sản phẩm như nhân rộng chương trình dịch vụ du lịch đạt chuẩn, nhanh chóng xây dựng các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật phục vụ du khách, phát triển mạnh lọai hình City tour, trong đó chú trọng khai thác du lịch đường sông, tham quan TP bằng xe buýt… nhằm mục tiêu kéo dài thời gian lưu trú, nâng mức chi tiêu của khách du lịch.