Bộ sưu tập hơn 400 ván in khắc tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh
Kho ván in tranh này gồm phần lớn là ván một nét và ván màu. Nghệ nhân Nguyễn đăng Chế có hai bộ ván tranh Ngũ sự (tranh để dán bàn thờ) khác nhau, mỗi bộ có 24 ván.
Ông Chế cho biết, ông đã tập hợp được các loại ván in khắc trước đây và đối chiếu với gia phả của dòng họ mình. Nghề làm tranh của dòng họ ông khởi đầu vào năm Tự Đức 35 (tức năm 1882) và phát triển mạnh cho đến năm Thành Thái thứ 18 (tức năm 1906).
Trước kia, làng có tới 17 dòng họ làm tranh, nhưng dòng họ Nguyễn Đăng là dòng họ lớn nhất sản xuất tranh, duy trì nhiều qui ước về gìn giữ, bảo tồn tranh của làng. Đời ông là đời thứ 20 làm tranh Đông Hồ.
Với việc sưu tầm, tập hợp, lưu giữ được một lượng lớn ván in khắc tranh, gia đình ông Chế đã sản xuất được nhiều bộ tranh điệp cổ truyền, có loại nhỏ như lá mít dùng để dán bưu thiếp, có loại lớn treo tường, có loại tranh trổ và tranh châm kim... rất được nhiều người ưa chuộng.
Tâm huyết với nghề làm tranh Đông Hồ, cách đây vài năm, gia đình ông đã được Quĩ phát triển văn hóa Thụy Điển-Việt Nam tài trợ một khoản kinh phí để tiếp tục xúc tiến việc làm tranh, góp phần lưu giữ, bảo tồn vốn quí văn hóa dân tộc.