Non nước Việt Nam

Làng gốm Thanh Hà (Hội An) - Địa chỉ quen thuộc của du khách

Cập nhật: 03/07/2009 10:07:05
Số lần đọc: 2537
Cách Hội An khoảng 5km về phía tây nam, làng gốm Thanh Hà tọa lạc ở một địa thế khá thanh bình. Du khách có thể bách bộ hoặc theo các tour du lịch để về làng gốm. Tự tay thử làm những sản phẩm giản đơn.

 

 Đèn trang trí

Làng gốm Thanh Hà tập trung chủ yếu ở ấp Nam Diêu, với 21 hộ sản xuất theo hai phương thức bàn xoay và tạo hình bằng kỹ thuật khuôn đúc làm ra những sản phẩm với nhiều mẫu mã phong phú, đa dạng. Theo bác Lê Trọng, 78 tuổi, người có thâm niên 60 năm trong nghề, thì người thợ gốm Thanh Hà tiếp quản nghệ thuật làm gốm từ rất sớm (cuối thế kỷ XVI-XVII), và đời nọ tiếp nối đời kia giữ lửa cho nghề. Người thợ đã thổi hồn vào đất làm ra những sản phẩm tinh xảo với nhiều mẫu mã, kết hợp giữa các yếu tố: đất, nước, lửa cùng với những kinh nghiệm làm nên cái hồn của gốm Thanh Hà. Nguyên liệu chính làm ra gốm là đất sét được mua từ Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc trộn với nước qua nhào nắn kết hợp với lửa làm ra sản phẩm. Để cho ra sản phẩm, phải qua nhiều công đoạn: ngâm đất, phơi đất, nhào trộn đất, se đất thành lọn, tạo dáng, trang trí…, và cuối cùng là đưa vào lò nung. Đây là công đoạn khó đòi hỏi người thợ có thâm niên trong nghề mới thực hiện thành công. Sự khéo léo của bàn tay và óc sáng tạo của người thợ các hình hoa văn, họa tiết sống động trang trí trên những sản phẩm gốm. Để cho ra đời những sản phẩm bắt mắt được khách hàng ưa chuộng đòi hỏi ở người thợ tính cần mẫn và chút năng khiếu về thẩm mỹ.

 

 Đèn trang trí hình nón.

Bác Trọng theo cha làm nghề gốm từ hồi tóc còn để chỏm, ngày ấy sản phẩm làm ra khá giản đơn, chỉ là những nồi, niêu, chậu, heo đất, lò nấu than… Bác Trọng là đời thứ 4 còn duy trì nghề cho đến ngày nay, bây giờ tuổi cao sức yếu bác truyền lại cho con cháu. Anh Lê Quốc Tuấn, 42 tuổi, người con trai duy nhất nối nghiệp cha mình, và cũng là đời thứ 5 kế tục nghề gốm. 42 tuổi đời những chỉ mới vài tuổi nghề, nhưng dường như nghề gốm đã phôi thai trong anh từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Cơ sở sản xuất của anh Tuấn gồm 10 người, chủ yếu là người thân trong gia đình. Anh chế tác những sản phẩm mang dáng dấp hiện đại hơn với nhiều chủng loại đa dạng và phong phú. Anh thường làm theo đơn đặt hàng, sản phẩm được ưa chuộng nhất hiện nay là những lu, đèn trang trí, tượng sư tử. Sản phẩm làm ra được xuất đi Nhật, Indonesia và một số Resort trong và ngoài nước. Đơn đặt hàng của resort Nam Hải, lên đến vài trăm triệu đồng chủ yếu là làm đèn trang trí. Mẫu mã đèn với nhiều chủng loại được cách điệu khá bắt mắt, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Công việc khá công phu và tốn thời gian ngoài hiệu quả kinh tế từ gốm mang lại, còn duy trì ngọn lửa yêu nghề.

 

Anh Tuấn với những sản phẩm chuẩn bị xuất xưởng. 

Khi phố cổ Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới, khách du lịch trong và ngoài nước đến Hội An ngày càng đông hơn, các làng nghề truyền thống có cơ hội ăn nên làm ra. Và làng gốm Thanh Hà đã được đưa vào tour trong hành trình tham quan của du khách khi đến Hội An. Theo ông Trần Văn Nhân - Phó phòng Du lịch & Thương mại Hội An: Bên cạnh phát triển sản phẩm truyền thống, làng gốm Thanh Hà nắm bắt thị hiếu của khách du lịch như mẫu mã đẹp, tinh xảo, gọn nhẹ. Và điều quan trọng bên cạnh phát triển gốm gắn với công tác bảo tồn. Còn theo ông Lê Hà - một người làm gốm lâu năm của làng, dù nghề gốm vất vả nhưng ông vẫn luôn khuyến khích con cháu duy trì ngọn lửa yêu nghề. Người con trai thứ của ông đang theo học khoa điêu khắc - trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh sẽ là thế hệ kế cận được trang bị những kiến thức mới để tiếp nối truyền thống cha ông mở ra cho làng gốm cơ hội phát triển.

 Từ năm 2001, khi tuyến tham quan làng nghề ở Hội An ra đời, làng gốm Thanh Hà trở thành địa chỉ quen thuộc của những nhà làm tour, du khách trong và ngoài nước. Du khách đến đây tự tay làm những sản phẩm mình ưa thích. Đặc biệt, một số du khách lớn tuổi đến với làng gốm học nghề, điều đó như một sự quay về với truyền thống văn hóa của người phương Đông. Trong Lễ hội Hành trình di sản lần thứ IV năm 2009, UBND TP. Hội An đã đặt hàng làng gốm Thanh Hà sản phẩm ống đèn đường trang trí đường phố trong ngày lễ. Khắp nơi trên các đường phố Hội An, những đèn, lu trang trí góp phần làm đẹp hơn thành phố cổ kính này. Đặc biệt là những con tò he với những âm thanh réo rắt trên môi của những trẻ nhỏ, của các bà, các chị, của khách du lịch trên khắp hành tinh.
Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT