Non nước Việt Nam

Sông Hàn - Nguồn cảm hứng của du lịch Đà Nẵng

Cập nhật: 05/10/2009 15:30:36
Số lần đọc: 2517
Vào những đêm hè oi bức, nếu được thong dong thả bộ trên con đường Bạch Đằng dọc theo dòng sông Hàn thơ mộng bạn mới cảm nhận hết vẻ đẹp của dòng sông này. Dòng sông Hàn từ lâu đã trở thành biểu tượng riêng và cũng là niềm tự hào của mỗi người dân Đà Nẵng.

Nếu có dịp đến Đà Nẵng, bạn nên ghé thăm dòng sông này về đêm. Đêm sông Hàn luôn mang đến cho lòng người những cảm xúc thật nhẹ nhàng. Dòng sông xanh mềm mại chia hai bờ Đông - Tây, dường như mọi vẻ đẹp nên thơ của dòng sông đều được bộc lộ một cách hoàn hảo nhất và rõ nét nhất trong không gian cầu sông Hàn lộng gió, mát rượi - cây cầu quay đặc biệt duy nhất tại Việt Nam đã mang tên dòng sông - cầu quay sông Hàn. Cây cầu này chính là biểu tượng cho sức sống mới, là khát vọng đi lên của thành phố. 


Ngày trước, khi Đà Nẵng còn chưa có cây cầu bắc qua dòng sông này thì phía bên kia sông Hàn – Bạch Đằng Đông, quận Sơn Trà vẫn còn rất hoang sơ với những dãy nhà xập xệ. Cuộc sống của những người dân gắn liền với biển, khó khăn là thế, vất vả là thế, vậy mà cho đến ngày hôm nay, phía bên kia sông Hàn, Quận Sơn Trà của ngày xa xưa ấy thay đổi đến lạ. Vào năm 2000, khi cầu quay sông Hàn, chiếc cầu mà “
Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã được long trọng khánh thành trước sự chứng kiến, niềm hân hoan phấn khởi của biết bao người, thì từ đây đã bắt đầu một sự thay đổi, bắt đầu một sức sống mới. Và cũng từ đó Quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn phía bên kia dòng sông đã đổi mới và chuyển mình mạnh mẽ với hàng loạt các công trình cơ sở hạ tầng, các dự án lớn về du lịch mang tầm cỡ quốc tế như khu du lịch khách sạn Hoàng Trà, Olalani Resort & Condotel, Sơn Trà Resort & Spa, khu du lịch Silver Shore Hoàng Đạt, các khu nghỉ dưỡng sang trọng như Furama Resort, Sandy Beach…và đặc biệt là những tuyến đường du lịch rộng mở như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng, Sơn Trà – Điện Ngọc. Chính cây cầu sông Hàn là nhịp cầu nối, rút ngắn được khoảng cách, làm cho quận Sơn Trà và Trung tâm thành phố Đà Nẵng gần nhau hơn. Về đêm, con đường Bạch Đằng loang loáng ánh đèn xe, con đường sạch sẽ, trong lành, những người dân địa phương và du khách cùng nhau tản bộ, thong dong để những cơn gió lộng lên từ dòng sông, thổi trôi đi những mệt mỏi, âu lo và muộn phiền, làm cuộc sống trở nên bình yên và nhẹ nhàng hơn. Đà Nẵng tự hào về con đường này cũng như tự hào về dòng sông Hàn đầy thơ mộng ấy. Và hôm nay đây, thêm một lần nữa người dân Đà Nẵng lại hân hoan chào đón thêm một cây cầu mới – cầu Thuận Phước, cây cầu dây võng số 1 Việt Nam với tổng chiều dài toàn bộ công trình là 2.119m trong đó chiều dài cầu là 1.855m. Từ đây, Đà Nẵng lại có thêm một biểu tượng mới, diện mạo mới và sức sống mới. Cầu Thuận Phước giờ đây chính là gạch nối, nối con đường du lịch từ hầm đèo Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà, nối tuyến du lịch Sơn Trà - Hội An tạo nên một hệ thống hạ tầng giao thông, du lịch hoàn chỉnh, đưa Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam xích lại gần nhau, và quan trọng hơn hết, cây cầu đã làm “sống dậy” bán đảo Sơn Trà – Một khu rừng già giữa lòng thành phố trẻ. Ngoài ra, Đà Nẵng đang triển khai dự án xây dựng thêm một cây cầu mới bắc qua sông Hàn – cầu Rồng, một cây cầu với kiến trúc hình con rồng đang vươn mình ra biển lớn nối liền hai bờ sông Hàn (nối liền từ sân bay Quốc tế Đà Nẵng đưa du khách đến các khu nghỉ dưỡng cao cấp trên con đường du lịch ven biển Sơn Trà Điện Ngọc).  

Cũng tại dòng sông Hàn thơ mộng này, mỗi năm diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Hàn và trên con đường Bạch Đằng này từ năm 2008 đến nay đã diễn ra các Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng với những màn trình diễn pháo hoa ngoạn mục của các đội thi đến từ các nước trên thế giới. Cuộc thi năm 2010, với chủ đề “Huyền thoại sông Hàn” sẽ được diễn ra trong 02 đêm, 27 và 28/03/2010 cùng các chương  trình ca nhạc, thuyền hoa, thả hoa đăng trên sông Hàn hứa hẹn mang đến cho người xem những cảm nhận mới về pháo hoa. Bên cạnh việc chọn tuyến đường Bạch Đằng làm mạch huyết chính cho phố du lịch, thì tại sông Hàn, Đà Nẵng còn tập trung phát triển du lịch đường sông bằng cách tập trung phát triển loại hình du thuyền trên sông Hàn theo tuyến Bảo tàng Chăm – cửa biển; Bảo tàng Chăm – Bán đảo Sơn Trà, Bảo tàng Chăm – K20.

Hình ảnh dòng sông Hàn đã, đang và sẽ mãi là niềm tự hào của mỗi người dân Đà Nẵng, đồng thời trong một tương lai không xa, nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Những sản phẩm du lịch đặc trưng tại dòng sông này sẽ gắn với hình ảnh “trên bến dưới thuyền”, được xây dựng trên cơ sở chọn một địa điểm có các yếu tố cần thiết về mật độ dân cư, về lịch sử, văn hoá, hệ thống cơ sở hạ tầng, không gian kiến trúc và những yếu tố khác về tổ chức dịch vụ du lịch nhằm tạo ra một điểm tham quan du lịch - điểm nhấn đặc biệt tại khu vực trung tâm thành phố, thu hút du khách, bạn bè đến với Đà Nẵng và góp phần tăng thời gian lưu trú của du khách.

Nguồn: Đà Nẵng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT