Non nước Việt Nam

Nhà sàn truyền thống của người Tày ở Nà Hang (Tuyên Quang)

Cập nhật: 16/10/2009 15:10:13
Số lần đọc: 5793
Nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày Nà Hang chứa đựng nhiều nét văn hoá độc đáo. Mỗi ngôi nhà sàn thường có khuôn viên bao bọc xung quanh bằng rào nứa đan thành phên buộc vào cọc tre hay dùng những đoạn nứa cắm sát vào nhau, cũng có nhà trồng một số loại cây, hoa làm hàng rào. Nhiều nhà có ao thả cá, xung quanh nhà trồng các loại cây ăn quả như mận, hồng, lê, táo... gầm sàn là nơi để các loại nông cụ, xe đạp, xe máy.

Nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày ở Nà Hang có 2 kiểu: Lợp mái lá cọ (vùng nông thôn) và mái ngói, mái lợp phipro xi măng (vùng thị trấn, trung tâm các khu tái định cư). Cầu thang lên nhà bằng gỗ thường gồm 9 bậc, có một số ít nhà làm 7 bậc, không có tay vịn. Nhà sàn truyền thống thường có 4 gian: Gian thứ nhất là gian khách, để khi nhà có khách đến chơi có chỗ để ngủ. Gian thứ hai, đặt bàn thờ tổ tiên. Gian thứ 3, ngăn cách với gian thứ hai là nơi dành cho chủ nhà hoặc vợ chủ nhà, cũng ở gian này là bếp của gia đình, chạn bát, phía sau nhà ở gian này có thể mở thêm ra một sàn để rửa bát đũa, đồ ăn. Phía trên bếp gia đình có gác bếp hai tầng dùng để xông khói một số loại thực phẩm hoặc những đồ đan lát nhằm mục đích bảo quản. Gian thứ 4 là nơi dành cho các con, cũng có gia đình sử dụng 1 bên để lương thực, chạn bát hoặc nơi rửa bát. Đầu hồi phía sau thường là một chái có cửa mở ra cầu thang phụ, sàn rửa, nơi rửa ráy, tắm giặt, vệ sinh… Xung quanh nhà để nhiều cửa sổ, cánh cửa bằng những tấm liếp hoặc bằng những đoạn tre, vầu hay gỗ được đẽo gọt tạo thành hoa văn trang trí, được chống lên vào mùa hè và đóng lại khi trời lạnh. Do vậy, những ngôi nhà này thường sáng sủa, thoáng mát.


Trước khi bước chân lên nhà sàn, mỗi nhà sàn đều có máng nước bằng gỗ, thân vầu hoặc bằng đá được đặt ngay dưới chân cầu thang. Nghi lễ liên quan đến dựng nhà của người Tày ở Nà Hang, ngoài việc xem hướng, xem ngày giờ, quan trọng nhất khi bắt đầu tiến hành dựng nhà phải có nghi thức xin một lá bùa trấn trạch (gọi là “Biên”).

 

Một tin vui hiện nay, các dự án về phát triển du lịch cộng đồng tại một số vùng trong huyện được thông qua đã có tác động lớn đến việc duy trì và phục dựng hình ảnh những ngôi nhà sàn kiểu truyền thống, như thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, một trong những thôn còn lưu giữ hơn 100 ngôi nhà sàn truyền thống, với đầy đủ những nét đẹp vốn có của nó. Đến ở các thôn bản làm du lịch cộng đồng, ngoài việc được ở trong những ngôi nhà sàn truyền thống, tìm hiểu văn hoá, lễ nghi của đồng bào nơi đây, tuỳ theo mùa, khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản như: Măng cuốn, măng nhồi, cốm, thịt trâu khô, thịt trâu xào măng chua…

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT