Non nước Việt Nam

Khai thác tiềm năng du lịch đường Hồ Chí Minh

Cập nhật: 23/10/2009 09:10:23
Số lần đọc: 2446
Đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh đã để lại trên đất Quảng Bình nhiều địa danh đi vào lịch sử. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử di tích đường Hồ Chí Minh là việc làm không chỉ để tri ân với quá khứ hào hùng của dân tộc mà còn góp phần giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế-xã hội. Quảng Bình, sau nhiều năm công việc ấy mới chính thức được thực hiện trong thời gian gần đây.

 

 

Đền tưởng niệm 8 thanh niên xung phong
trên đường 20-Quyết thắng.

* Những “địa chí đỏ” trên tuyến đường huyền thoại

 

Có lẽ không ở đâu như ở Quảng Bình, mỗi tên núi, tên sông, tên đất, tên làng đều di vào lịch sử kháng chiến vĩ đại của dân tộc gắn với sự ra đời của tuyến đường huyền thoại: Hồ Chí Minh. Lại nữa, Quảng Bình là nơi mà đường Hồ Chí Minh phân thành 2 nhánh trước khi vào Nam, là nút chiến lược về giao thông-vận tải chi viện cho tiền tuyến. Trên 2 tuyến đường chiến lược ấy, hàng triệu cán bộ chiến sĩ, hàng triệu tấn vũ khí đạn dược, xăng dầu và lương thực được vận chuyển vào chi viện cho chiến trường Miền Nam.

 

Cũng trên 2 nhánh đường Hồ Chí Minh còn có các tuyến đường ngang như đường 12A, đường 20, đường 10, đường 16 nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn, nối vùng chiến lược Quảng Bình với biên giới Việt-Lào là các đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Trong đó, với chiều dài 123 km, đường 20-Quyết thắng như một “sợi chỉ đỏ” góp phần làm nên chiến thắng của cả dân tộc.

 

Lãnh đạo Bộ tư lệnh Binh đoàn 559 đã đặt cho tuyến đường cái tên “20” bởi lẽ, bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân và dân công hoả tuyến “ba sẵn sàng” tham gia mở đường và bảo vệ con đường hầu hết ở lứa tuổi 20. Đây là con đường huyết mạch phá thế độc đạo, nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn giành thế chủ động thắng lợi trên mặt trận giao thông-vận tải nên con đường còn có tên đường 20-Quyết thắng.

 

Trong những năm giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, chúng đã tập trung đánh phá cực kỳ khốc liệt các trong điểm trên đường 12A và đường mòn Hồ Chí Minh như cua chữ A, ngầm Ta lê, đèo Pula nhíc, ngầm Trạ Ang, km 12..., biến nơi đây thành các toạ độ lửa nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương đối với tiền tuyến. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến và đồng bào các dân tộc thiếu số vừa xẻ núi, bạt đèo, đào đắp hàng triệu khối đất đá để mở đường, thông tuyến vừa đánh trả những trận oanh tác của máy bay giặc Mỹ, kịp thời chi viện sức người và sức của cho chiến trường miền Nam.

 

Trên tuyến đường lịch sử này, ngày 14/11/1972, bom Mỹ đã vùi lấp miệng cửa hang đá tại km 16+500-nơi có 8 thanh niên xung phong đang ẩn nấp. Những nỗ lực phá đá cứu họ của đồng đội không thành, họ đã mãi mãi ra đi khi tuổi còn quá trẻ. Bây giờ, hang Tám thanh niên xung phong là một trong những “địa chỉ đỏ” trên tuyến đường huyền thoại ấy đã và đang thu hút du khách thập phương, nhất là thế hệ những người đã đi qua cuộc chiến tranh.

 

Với tầm quan trọng của tuyến đường, Chính phủ đã phê duyệt đường Hồ Chí Minh là tuyến du lịch quốc gia. Riêng tại Quảng Bình, du lịch đường Hồ Chí Minh gắn liền với 2 tuyến du lịch có tính liên hoàn là khu du lịch Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và điểm du lịch nước khoáng nóng Bang, khu lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh và nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

 

 

Du khách thăm lại ngầm Trạ Ang-trọng điểm đánh phá
ác liệt trên tuyến đường Hồ Chí Minh (nhánh tây).

 

* Đánh thức tiềm năng du lịch đường Hồ Chí Minh

 

Với việc được phê duyệt thành tuyến du lịch quốc gia và tuyến đường Hồ Chí Minh đã hoàn thiện, du khách có dịp thuận lợi để tham quan các di tích lịch sử trên tuyến đường. Quảng Bình là nơi chia nhánh đường Hồ Chí Minh nên cơ hội tiếp cận với các di tích nằm ở mái bên kia của dãy Trường Sơn tưởng như quên lãng sau rất nhiều năm càng trở nên hiện thực hơn. Rõ ràng, đường Hồ Chí Minh được xây dựng lại đàng hoàng hơn, rộng rãi hơn không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội ở các xã phía tây của tỉnh Quảng Bình mà còn mở ra triển vọng lớn đối với ngành du lịch tỉnh này.

 

Tuy nhiên, tiềm năng phong phú là vậy nhưng vì sao các di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh ở tỉnh Quảng Bình chưa phát huy được hiệu quả, hay nói cách khác là vì sao du khách chưa thật quan tâm và tìm đến tham quan các di tích. Điều này có 2 nguyên nhân: thứ nhất là tỉnh chưa tiến hành khảo sát thực trạng và xếp hạng các di tích trên tuyến đường. Nói đến bến phà Xuân Sơn nhiều là thế nhưng ở đấy có gì, ngoài việc đưa khách đến sông Son giới thiệu qua loa là xong, rồi Khe Ve, Bãi Dinh, đèo Pula nhíc...cũng vậy. Bây giờ trong số các di tích, cái có bia ghi lại chiến công, cái chẳng có lấy một chữ, thậm chí chỉ còn qua cách gọi tên.

 

Trong báo cáo định hướng phát triển chương trình du lịch của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010 đã nêu rất rõ việc làm cần thiết này nhưng cơ quan nào làm và bao giờ làm thì đang bị bỏ ngỏ; thứ hai, công tác tuyên truyền, quảng bá để phát huy giá trị lịch của các di tích trên tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh thông qua hoạt động du lịch cũng chưa được quan tâm. Các di tích chỉ mới được nhắc đến thông qua các phương tiện truyền thông trong các dịp kỷ niệm, ngày truyền thống, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn vừa qua. Phần lớn các điểm du lịch trên tuyến đường nhưng nằm trong Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thì đến nay vẫn chưa đưa vào khai thác được do chưa có quy hoạch và sự đầu tư bài bản.

 

Điều đáng mừng là trong thời gian gần đây, với sự nỗ lực của mình, Trung tâm Trung tâm du lịch văn hoá và sinh thái (Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng) đã mở được hai tuyến du lịch men theo nhánh tây đường Hồ Chí Minh, đó thắp hương viếng hang tám thanh niên xung phong và khám phá sự kỳ thú của thiên nhiên ở thác nước Moọc. Nếu tuyến du lịch đầu tiên hấp dẫn những du khách đã từng đi qua cuộc chiến, thăm đường 20-với họ chính là thăm lại chiến trường xưa, tìm lại một thời son trẻ khi cùng cả nước ra trận thì tuyến du lịch thứ hai sẽ là nơi hấp dẫn du khách trẻ tuổi muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên. Đến đây, du khách như hoà mình vào không gian xanh và tĩnh tại, gần gũi hơn với thiên nhiên sau những ngày làm việc mệt mỏi...

 

Sỡ dĩ, gọi đây là sự cố gắng bởi hiện nay, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng chưa có quy hoạch chi tiết, việc bảo tồn và khai thác tiềm năng thiên nhiên phục vụ phát triển du lịch nơi đây chưa được phân định rõ. Trong bối cảnh đó, mạnh dạn tổ chức và tổ chức được các tuyến du lịch mới trong Vườn quốc gia là tín hiệu mới, hứa hẹn thu hút du khách thập phương đến với tuyến đường lịch sử, đến với Di sản thiên nhiên thế giới.

 

Tóm lại, để khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử trên tuyến đường Hồ Chí Minh, cần có sự đầu tư để quy hoạch, phục dựng và tôn tạo các di tích; nói cách khác phải làm cho các địa chỉ đỏ này “sống lại” một cách chân thực (tất nhiên quá trình thực hiện công việc này cần có sự tham gia, góp ý của các nhân chứng) rồi mới vạch ra lộ trình cụ thể để tham quan, thăm viếng với sự am hiểu, thông thuộc của các hướng dẫn viên nhằm giới thiệu cho du khách hiểu hơn về con người, về tuyến đường mãi mãi trường tồn cùng dân tộc này.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT