Non nước Việt Nam

Hấp dẫn vùng du lịch văn hóa - sinh thái Cẩm Lương (Thanh Hóa)

Cập nhật: 27/10/2009 08:10:33
Số lần đọc: 2391
Xã Cẩm Lương nằm cách trung tâm huyện lỵ Cẩm Thủy 10 km về phía Tây - Bắc. Cùng với những thắng tích được thiên nhiên ưu ái ban tặng là đời sống văn hóa, tinh thần phong phú của đồng bào dân tộc Mường vốn đã định cư trên mảnh đất này từ bao đời, tất cả giúp cho Cẩm Lương trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trên nhiều phương diện: văn hóa, lịch sử và sinh thái.

Trước năm 2000, nhận thấy sức hấp dẫn của suối Cá Thần, xã Cẩm Lương đã giao cho hội cựu chiến binh xã quản lý, bảo vệ và thu phí của khách tham quan. Đến năm 2004, xã đứng ra quản lý và thu phí. Tuy nhiên, phải đến năm 2007 khi huyện Cẩm Thủy trực tiếp quản lý, cùng với sự đầu tư của Nhà nước thì Khu du lịch suối cá Cẩm Lương mới định hình diện mạo như bây giờ.

 

     Lương Ngọc có suối Minh Châu

 Với khe tắm mát giăng thâu đền Hòa

    Ngọc Đình có miếu Thủy Tòa

 Trên thì thượng đẳng thật là anh linh

     Sau đình có núi Trường Sinh

 Dưới khe có cá Vạn Linh về chầu.

 

Câu ca lưu truyền trong dân làng Lương Ngọc cũng đồng thời là lời giới thiệu của bà con về những di tích, thắng tích có một không hai vốn là niềm tự hào của họ và chỉ riêng vùng đất này mới có. Suối Cá Thần - Động Đăng - rừng nguyên sinh trên dãy Trường Sinh... đang và sẽ mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái - khám phá mạo hiểm cho những du khách ưa tìm hiểu, thích một chút cảm giác phiêu lưu.

 

Sự đầu tư của Nhà nước bằng Dự án phục hồi làng truyền thống (làng Ngọc) đã phát huy hiệu quả. Hạ tầng phục vụ du lịch (điện, đường, mạng thông tin liên lạc) và nhiều giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Mường (chiếm gần 80% dân số trong xã) được đầu tư, khôi phục đã tăng thêm sức hấp dẫn cho vùng đất này. Nếu du khách có dịp đến đây vào tháng giêng - mùa xuân, khi thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan sẽ được tham gia lễ hội Khai Hạ truyền thống của đồng bào Mường. Lễ hội Khai Hạ không chỉ là dịp người dân nơi đây bày tỏ lòng sùng bái người anh hùng, người bảo trợ tinh thần có công giữ gìn sự bình yên và mang lại đời sống ấm no cho làng bản (chàng Rắn), mà còn là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa đậm bản sắc dân tộc với hát giao duyên, hát thơ, múa, các cuộc thi tài, các trò chơi dân gian như: đánh đu, đánh vật, kéo co, đua thuyền, thổi cơm, thêu thùa, dệt vải... Sinh hoạt văn hóa mà trực tiếp là lễ hội có khả năng tạo mối liên kết, gắn bó cộng đồng to lớn làm cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của một tộc người, một dân tộc.

 

Du lịch ở Cẩm Lương đang từng bước bắt nhịp với xu thế phát triển chung của du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái hiện nay, đó là khuyến khích du lịch cộng đồng. Nói đến du lịch Cẩm Lương là nói đến vai trò của người dân nơi đây bằng ý thức giữ gìn, bảo vệ suối cá, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển các loại hình dịch vụ giàu chất bản địa thông qua nhiều mặt hàng thủ công, vải vóc, hoa quả, thực phẩm, cơm lam... được bày bán, có khả năng thu hút du khách. Những truyền thuyết, những câu chuyện kể về sự ra đời, tồn tại của mảnh đất, dòng suối, đàn cá, Động Đăng... được giới thiệu trong cuốn “Đồng hành cùng du khách - Suối Ngọc, Cá Thần” vừa ra mắt gần đây có thể xem như một lời giải đáp cho những thắc mắc của du khách về vùng đất hấp dẫn mà không ít bí ẩn này. Với những người thích điều kỳ lạ hay yêu các giá trị văn hóa truyền thống thì Cẩm Lương chắc chắn là một địa chỉ hấp dẫn, không thể bỏ qua.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT