Hành trang lữ khách

Khám phá xứ Chăm Ninh Thuận

Cập nhật: 08/07/2009 08:18:51
Số lần đọc: 2492
Ninh Thuận là một tỉnh duyên hải ở Nam Trung bộ với địa hình đa dạng gồm miền núi, đồng bằng và vùng ven biển. Đây cũng là nơi có khá đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống. Những yếu tố trên cùng với nền văn hóa độc đáo của người Chăm khiến Ninh Thuận trở thành một điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Thành phố Phan Rang – thủ phủ của Ninh Thuận nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông quan trọng là tuyến đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 1 A và đường số 11 về hướng Đà Lạt nên du khách xuôi Nam ngược Bắc cũng có thể ghé qua Ninh Thuận khá tiện lợi để khám phá xứ Chăm.

Ninh Thuận có bãi biển Cà Ná, bãi tắm Ninh Chữ, vịnh Vĩnh Hy, núi Đá Trắng, ngoài ra, nơi đây còn hấp dẫn du khách bởi các cụm tháp của đồng bào người Chăm như Poklongarai, tháp Hòa Lai, tháp Proremê, đặc biệt là làng gốm Bàu Trúc.

Nếu du lịch “bụi”, từ trung tâm thành phố Nha Trang khách thuê xe gắn máy đi về phía Tây thành phố khoảng 9km để đến với cụm tháp Poklongarai nằm trên đồi Trầu. Từ chân đồi, đã thấy ba ngọn tháp sừng sững như những ngón tay khổng lồ vươn lên trời xanh. Ba ngọn tháp được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ 13 đến đầu thế kỷ 14 gồm: tháp chính cao 20,50m thờ tượng vua Poklongarai, tượng bò Nandin bằng đá, tháp Cổng ở phía Đông cao hơn 8 mét và tháp Lửa chếch phía Nam có mái hình thuyền cao 9,31m. Muốn lên đến tháp, du khách phải leo từng bậc cấp có sẵn...

Trong tháp chính, khách sẽ được chiêm ngưỡng các tượng thần phù điêu và hoa văn tuyệt mỹ. Hằng năm, tại tháp này thường diễn ra bốn lễ hội lớn là Lễ Đầu năm (tháng Giêng Chăm lịch), Lễ mở cửa tháp (bắt đầu năm mới), Lễ Cầu mưa (tháng 4 Chăm lịch) và Lễ Katê (tháng 7 Chăm lịch). Ngoài Poklongarai, Ninh Thuận còn có tháp Hòa Lai và tháp Prorome tại huyện Ninh Hải và Ninh Phước.

Một điểm tham quan khá lý thú và nổi tiếng của Ninh Thuận là làng gốm Bàu Trúc. Đến thăm nơi này, khách sẽ được tìm hiểu, nếu thích có thể trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất những sản phẩm gốm thô. Làng gốm Bàu Trúc (tiếng Chăm gọi là Palay Hamuk) là một trong những làng nghề được xem là cổ xưa nhất Đông Nam Á với 80% hộ sinh sống bằng nghề truyền thống này.

Viếng thăm những ngôi nhà nhỏ xinh trong làng, khách sẽ được người dân giới thiệu về qui trình làm gốm. Người ta trộn đất sét và cát theo một tỷ lệ nhất định, đặt nắm đất trên một bệ cao vừa tầm tay nắn vừa đi vòng quanh bệ vừa nắn tạo hình sản phẩm. Nung trong lò để trở thành những chiếc bình màu đỏ pha lẫn sắc đen đặc trưng. Sự đặc biệt của làng gốm này là những sản phẩm xuất phát từ đây đa dạng, sản phẩm ra lò khác nhau về màu sắc hình dáng bởi các công đoạn chế tác đều được làm thủ công, nên dường như mỗi sản phẩm đều ẩn chứa tình cảm của người làm.

Cách thành phố Phan Rang chừng 10km, về phía Nam, theo quốc lộ 1A, là làng nghề Mỹ Nghiệp. Thăm nơi đây, khách sẽ được nghe kể về nghề dệt thổ cẩm ra đời từ thế kỷ thứ 17 do vua bà Pônưra truyền lại. Từ những hoa văn, họa tiết cơ bản và đơn sơ ngày trước, những thế hệ sau ngày càng sáng tạo và phát triển để cho ra đời những sản phẩm thổ cẩm phong phú và đa dạng như khăn, áo túi xách... với các họa tiết hình thoi, hình chân chó, hoa mai hay các họa tiết hiện đại như hình voi, đầu tượng thần Hindu... Thổ cẩm Mỹ Nghiệp được xuất khẩu sang một số nước khu vực Đông Nam Á...

Sau khi rong ruổi khám phá xứ Chăm thỏa thích, khách có thể ra những bãi biển tuyệt đẹp ở Ninh Thuân để tắm biển thư giãn và thưởng thức hải sản.

Nguồn: website báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục