Nét quyến rũ của Tả Phìn (Lào Cai)
Sạp hàng chỉ rộng chừng manh chiếu đôi (1m8 x 2m2) nằm khiêm tốn một góc trong căn gác hai chợ thị trấn Sa Pa (thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Cứ mỗi thứ Bảy hàng tuần, chị San Mẩy Líu người dân tộc Dao nhà ở đội 2, bản Tả Phìn (huyện Sa Pa, Lào Cai) lại đi xe ôm hơn chục cây số vào bày lên đó những áo, khăn, mũ, ví... và nhiều nhất vẫn là những mảnh vải thổ cẩm thêu hoạ tiết cỏ cây hoa lá với những đường nét hoa văn tinh tế, màu sắc sặc sỡ do chính tay chị làm ra.
Rất nhiều phụ nữ người dân tộc Mông, Dao ở Tả Phìn cũng giống như chị. Suốt một tuần cặm cụi bên khung cửi miệt mài dệt nên những tấm vải thổ cẩm từ đó tạo ra các sản phẩm độc đáo rồi đón xe vào thị trấn bán cho khách du lịch làm quà lưu niệm. Nhưng kinh doanh không phải là mục đích chính - chị San Mẩy Líu tâm sự - mà đây là dịp gác lại những công việc đồng áng để nghỉ ngơi, đi uống rượu và giao lưu văn hóa...
Đẹp hơn và nằm ở một nơi cũng sang trọng hơn- sảnh khách sạn Victoria Sa Pa- gian hàng của chị Lý San Mẩy (ở đội 3, bản Tả Phìn) luôn thu hút những vị khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm. Không chỉ bày bán những sản phẩm được làm sẵn chủ yếu như: ba lô, túi khoác du lịch, những chiếc khăn, xắc tay, ví đựng tiền... trong gian hàng của chị còn bày hẳn một khung cửi dệt vải và những chiếc xa quay sợi.
Khi khách có yêu cầu, chị Lý San Mẩy lại ngồi vào khung cửi “biểu diễn” cho khách xem. Nhiều vị khách du lịch người nước ngoài thích thú, trầm trồ khen ngợi trước bàn tay khéo léo và thực sự tinh tế của chị và những người phụ nữ người dân tộc ở đây. Có vị khách còn đặt hàng chị làm gấp một số sản phẩm để mang về nước làm quà tặng cho bạn bè, người thân...
... Sa Pa một buổi tối tháng hai nhiệt độ ngoài trời hạ thấp xuống khoảng 8 độ, tôi gặp chị San Mẩy Líu và Lý San Mẩy trong một quán rượu ở trung tâm thị trấn. “Về nhà trọ bây giờ cũng không ngủ được nên rủ nhau đi làm vài chén cho ấm bụng...”- chị San Mẩy Líu cười bảo khi cầm tay tôi kéo vào. Rượu San Lùng “nhắm” với trứng nướng, phèo nướng... không gì thú vị hơn. Bên bếp lửa cháy to nhìn má ai cũng ửng hồng. Trái ngược với chị Lý San Mẩy chỉ ngồi lặng lẽ uống và cười, chị San Mẩy Líu rôm rả nói chuyện. Qua câu chuyện chị kể, tôi được biết, các chị đi xe ôm vào thị trấn Sa Pa từ sáng thứ bảy để bán hàng, ngủ đêm ở nhà trọ trong chợ (giá 2.000đồng/người/đêm), chủ nhật dọn hàng ra bán tiếp đến khuya chủ nhật lại bắt xe ôm về bản. “Mỗi ngày như thế chị bán được nhiều (tiền) không?”- tôi hỏi. “Được mấy chục nghìn, nhưng San Mẩy thì bán được nhiều hơn vì toàn bán cho Tây! - chị Mẩy Líu cười. Nhưng cũng có hôm gặp nhiều bạn bè rủ đi uống rượu thì bán được ít lắm...”. “Chồng và con chị đâu?”.
Trước khi trả lời câu hỏi này, chị San Mẩy Líu đưa bát rượu lên miệng uống. “Chắc cũng đang uống rượu ở đâu đấy quanh đây thôi!”. Cả ba chúng tôi cùng bật cười, những tiếng cười vô tư lự. Vừa lúc đó thì “người thổi khèn trứ danh”- tên khách du lịch đặt cho anh Giàng A Vàng và cậu con trai chín tuổi đi tới. Chị San Mẩy Líu rót rượu tràn cả ra ngoài miệng bát. Anh Giàng A Vàng uống cạn. Bát rượu được chuyển sang trước mặt cậu con trai. Lần này thì tôi lãnh nhiệm vụ “châm tửu”.
Rót ít, sợ trẻ con không uống được sẽ bị say. Anh Vàng cười: “Cứ rót đi, nó uống được đấy...”. Tôi cầm chai rượu nhưng mắt nhìn cậu bé hồ nghi, rồi miễn cưỡng rót đầy. Cậu bé nín một hơi. Cạn. Cậu bé thò tay vào trong túi thổ cẩm lấy ra một chiếc lá cây, đưa mắt nhìn anh Vàng. Tiếng đàn môi quyện với tiếng khèn chen lẫn tiếng hát của chị San Mẩy Líu cất lên giữa núi rừng trong đêm, nghe da diết. Bài hát dân ca Mông, một bài tình...
Từ thị trấn Sa Pa ngược đường ra Lào Cai ngồi xe ôm (10.000đồng/ người) khoảng hơn 10km là đến Tả Phìn. Chị San Mẩy Líu đưa chúng tôi vào tham quan nhà thờ cổ được người Pháp xây dựng nay không còn nguyên vẹn nằm giữa vườn đào và những luống atisô. Những bức tường rêu bám vàng, cô đơn như một niềm hoài cổ.
Ở nhà văn hoá trung tâm bản, phụ nữ (nhiều nhất vẫn là những thiếu nữ và các em gái) người dân tộc Dao đầu chít chéo khăn màu đỏ, trong những bộ trang phục đính nhiều bông tua đở rực rỡ truyền thống của dân tộc mình ngồi túm năm tụm ba nói chuyện và cần mẫn thêu thùa, may vá. Thấy khách lạ, họ đứng cả lên mời chào ríu rít. Tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng... Kinh! Ai cũng muốn mời khách đến chơi, uống rượu ở nhà mình.
Tả Phìn, nơi tập trung hai dân tộc Mông và Dao sinh sống, ngoài cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và vẫn còn hoang sơ như: nhà thờ cổ, hang động Tả Phìn, vườn quốc gia Hoàng Liên... còn có một nền văn hóa đậm đà bản sắc thể hiện qua những phong tục tập quán của người dân tộc: tết nhảy của người Dao đỏ, lễ ăn thề, lễ mừng nhà mới, hội lồng tồng... và đặc biệt là ngày tết cổ truyền (ngày tết, người dân tộc ở đây mời nhau đi uống rượu lần lượt từng nhà, khi nào uống được hết nhà cuối cùng trong bản mới hết tết).
Đối với người dân tộc vùng cao, thổ cẩm không chỉ dùng để trang trí, tô điểm cho sắc đẹp mà còn là vật kỷ niệm của tình yêu hay trong ngày cưới của các đôi trai gái...