Quảng Ngãi: Hội thảo quốc tế 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh
Tham dự hội thảo có hơn 100 nhà quản lý, các nhà khoa học ở bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; các viện nghiên cứu, các trường đại học ở trung ương và các địa phương có di tích Sa Huỳnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định Phú Yên; Các nhà nghiên cứu đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Anh, Pháp, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia và Đại sứ nước Cộng hoà Pháp tại Việt Nam.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nghiên cứ văn hoá trong và ngoài nước đã tập trung thảo luận 3 chủ đề chính gồm: Các thành tựu nghiên cứu về văn hoá Sa Huỳnh, các nguồn sử liệu đề cập đến văn hoá Sa Huỳnh, các phát hiện mới về văn hoá Sa Huỳnh; Các cuộc tiếp xúc và nghiên cứu văn hoá cũng như ảnh hưởng của văn hoá Sa Huỳnh đến quá trình phát triển của văn hoá của miền Trung Việt Nam hiện nay; Các quan điểm, dự án và hướng tiếp cận nhằm bảo tàng hoá một số di sản thuộc văn hoá Sa Huỳnh.
Kể từ khi nhà khảo cổ học M.Vinet phát hiện di tích văn hoá Sa Huỳnh đầu tiên tại Gò Ma Vương, tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1909, đến nay tròn 100 năm, đã có khoảng 120 di tích văn hoá Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học tìm thấy, phân bố trên địa bàn rộng lớn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Bình Thuận. Đây là nguồn tư liệu quý giá, phục vụ cho công tác nghiên cứu, tìm hiểu về một nền văn hoá thuộc thời đại Kim khí của Việt Nam, cách nay khoảng 3.000 năm.