Non nước Việt Nam

Danh thơm Làng trống Đọi Tam (Hà Nam)

Cập nhật: 04/08/2009 11:01:47
Số lần đọc: 2086
Không lâu nữa, trống Đọi Tam( Duy Tiên - Hà Nam) lại có dịp ngân vang khai Hội ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Tiếng trống từ xa xưa mỗi lần gióng lên như giục giã lòng người góp công góp của cho việc hộ đê hay hội quân đánh giặc. Âm sắc riêng của trống Đọi đã ăn sâu vào tâm thức người Việt qua văn hoá đình, chùa, lễ hội bao đời, vậy mà nay làng trống cũng đến độ thăng trầm...

Chuyện kể rằng, trống Đọi Tam nổi tiếng đến mức vào mùa lễ hội, gặp tay trống cừ dồn chưa hết hồi mà lòng người chộn rộn, cá rô, cá chép đua vây nhảy thách lên bờ vui hội!

Lại có chuyện truyền vào Xuân Đinh Hợi (987), niên hiệu Thiên Phúc thứ 7, Vua Lê Đại Hành tự tay thực hiện những đường cày đầu tiên dưới chân núi Đọi. Nay dân gian trong vùng vẫn tụng câu: "Đầu gối núi Đọi/chân dọi Tuần Vường/phát tích đế vương/lưu truyền vạn đại". Ý nói nơi đây thuận thế sông thế núi (sông Châu - núi Đọi) mà dấu tích ngày nay còn 9 giếng nước vây quanh núi tượng trưng cho 9 mắt rồng. Vì lẽ đó, Vua đã chọn nơi đây để khởi nguồn cho việc "động thổ" làm nông vào mỗi dịp đầu Xuân. Khi những giọt mồ hôi đã vợi thì hũ vàng, hũ bạc bật lên làm nức lòng Vua tôi trong hội. Dụng ý sâu xa của vị Vua giàu lòng thương dân là coi trọng nghề nông, mở đầu truyền thống khuyến nông tốt đẹp cho muôn dân chăm chỉ làm ăn vì sự phồn thịnh của nước nhà.

Lễ cày Tịch điền có xuất xứ từ đấy nhưng không ít người còn chưa biết tới một lễ hội khác mà họ đã từng thụ hưởng kể từ thơ bé, ấy là lễ hội làng trống đã cho ra đời những cung bậc âm sắc đặc trưng có sức quyên tụ lòng người. Khi còn khỏe, cụ Phạm Văn Hồng - nghệ nhân trống nổi tiếng của làng phương phưởng nhớ: Thời Vua Lê Đại Hành, có một vị quan thanh liêm người làng tên Nguyễn Tiến Lăng tự nguyện về giúp dân làm ăn bằng một thứ nghề bắt đầu rất lạ. Nghề trống Đọi Tam manh nha từ đó, qua bao thăng trầm trống Đọi đã có mặt khắp nơi gắn với đời sống tinh thần muôn dân cũng như cuộc đời chìm nổi của bao thế hệ người thợ trống.

Trống Đọi Tam gần đây được nhiều người biết đến bởi nó đã lọt vào mắt các nhà tổ chức lễ hội ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, với việc đặt làm 1.000 cái trống. Chỉ riêng trống sấm mặt rộng 2,01m đã là một thách thức mà không phải thợ trống nào cũng có thể hoàn thành.

Trưởng thôn Đọi Tam Đinh Văn Nương còn nhớ: Không kể phần xin phép cơ quan thẩm quyền, việc kiếm tìm ba cây mít có đường kính ít nhất là một mét để xẻ làm tang trống đã khiến những người thợ thành các nhà thám hiểm vượt cả ngàn km núi rừng. Gia đình ông Phạm Chí Thảo, người làng Đọi Tam lập nghiệp trong Thừa Thiên - Huế vinh dự nhận nhiệm vụ này. Tìm gỗ làm tang trống khó là thế cũng chẳng thấm gì so với việc kiếm con trâu có thảm da vừa với yêu cầu của trống sấm. Đi khắp đó đây, cuối cùng vận may cũng mỉm cười với người thợ khi họ tìm thấy ở Thái Bình và Thanh Hoá mỗi nơi có một con trâu đáp ứng yêu cầu của thợ...

Nhóm thợ quyết định đưa vật tư ra Quốc Tử Giám (Hà Nội) thi công cho thuận nhiều nhẽ. Nào ngờ, khi tập hợp răm tang trống ra ga Huế lên tầu thì trận lũ lịch sử kéo về, cuốn phăng nhiều hành lý cùng ba răm trống. Mưa lũ trắng trời khiến việc tìm kiếm "báu vật" kể trên chỉ còn là ước vọng. Nước mắt người thợ trống nhoà với mưa xứ Huế chát mặn chỉ vơi đi khi chiếc trống mang tính lịch sử hoàn thành.

Nổi tiếng là thế nhưng người thợ trống không dễ yêu nghề. Đã có lần ông Trưởng thôn bây giờ cùng thợ trống tài danh Lê Văn Ổn rong ruổi xe đạp xe khắp mấy tỉnh miền Trung mà không có việc... Đêm trăng miền Trung vằng vặc sáng mà lòng người thợ trống thật vô cùng trống trải. Nhưng bi kịch không phải chỗ người thợ trống thiếu việc, mà lại là ma tuý. Cả thôn Đọi Tam có 554 hộ, thì có tới 540 cặp thợ với gần 1.000 người đi khắp đó đây mưu sinh bằng nghề trống. Tiếng thơm làng trống được đền đáp bằng danh hiệu làng nghề. Nhiều năm qua kể từ khi nhận danh hiệu quý này, ngày 7 tháng Giêng làng đều tổ chức hội lớn để tỏ lòng biết ơn Tổ nghề và khao thợ. Dụng ý của các nhà quản lý làng nghề tỉnh Hà Nam là không chỉ duy trì, mà phát triển làng nghề truyền thống theo hướng kết hợp với kinh tế du lịch. Chỉ tiếc, sau lễ đón danh hiệu làng nghề long trọng đó, tiếng làng nghề vẫn chỉ có trong tiềm thức của người dân địa phương.

Theo như ông Trưởng thôn Đinh Văn Nương, thì đến nay gọi là có danh làng nghề nhưng chưa có hạng mục nào được đầu tư hay định hướng phát triển cho phù hợp với xu thế hiện nay. Các công trình thiết yếu như đường, trường, trạm làng kỳ vọng được hỗ trợ nhưng thực tế vẫn là tiền đóng góp, công góp của người dân địa phương. Hy vọng rằng, cùng với làng trống Đọi Tam, làng mây tre đan Ngọc Động, làng dệt Nha Xá… các làng nghề của Hà Nam vốn nổi tiếng được tôn vinh không chỉ là danh hiệu, mà phải là các biện pháp quy hoạch phát triển khoa học, đáp ứng thị trường. Đây không chỉ là cách thu hút lao động giữa lúc kinh tế khó khăn, mà còn là nguồn thu lớn như không ít nơi đã làm, thông qua các tua du lịch làng nghề hấp dẫn.

 

 

Nguồn: Website báo Công An Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT