Non nước Việt Nam

Bí mật của trống cổ hơgơr

Cập nhật: 07/08/2009 09:48:14
Số lần đọc: 2077
Hơgơr theo tiếng Bana có nghĩa "trống sấm", được tộc người dùng xua đuổi tà khí trong các cuộc vui và nghi lễ cúng tế quan trọng như cầu mùa, cúng tạ Yàng… Trong khí trời se lạnh giữa đại ngàn hoang sơ, bên bếp lửa tí tách, còn gì bằng khi được chìm đắm trong men rượu lúa rẫy thơm nồng và nghe các già làng trò chuyện về chiếc trống cổ ẩn chứa nhiều điều kỳ thú.  

"Phát âm thanh Yàng vui - quỷ sợ!"

Đó là tâm tình của nghệ nhân Aly ở thôn Kol Tum Kơpơiy (phường Thắng Lợi, thị xã Kon Tum). Chỉ vào chiếc trống được ràng bằng dây mây, mặt trống được phủ lớp da thú tua tủa lông vàng trông hơi quái dị, Aly cho biết: "Tên đầy đủ của trống là hơgơr hơkrăn. Vì lớn nhất trong các loại trống nên đồng bào thường gọi nó là trống cái".

Theo các nghệ nhân Bana, trống cái hơgơr luôn được sử dụng song hành cùng bộ chiêng arap (gồm 11 chiếc) - bộ chiêng được sử dụng rộng rãi nhất trong đời sống văn hóa tâm linh của tộc người.

Nghệ nhân Aly giải thích: "Arap nghĩa là chiêng múa, có âm thanh ngân vang. Tiếng trống hơgơr ngược lại luôn trầm ấm. Tuy nghịch âm nhưng khi được phối với nhau chiêng trống sẽ cho ra những bài bản lay động núi rừng. Trong dàn nhạc, bao giờ hơgơr cũng được đánh chính để giữ nhịp".

Qua nhịp gõ điêu luyện của các nghệ nhân, âm vực khi dịu dàng lúc mạnh mẽ, uy lực của hơgơr cứ thế vọng vang qua nhiều con sông con suối, qua nhiều ngọn núi, buôn làng. "Luật tục ông bà qui định, vì là trống cái (trống lớn - trống thiêng) nên không ai được để hơgơr dưới đất mà phải luôn treo trên cột nhà chính. Ngày trước chỉ có người uy tín nhất làng mới được đánh hơgơr. Trống này đặc biệt ở chỗ cả hai người có thể cùng đánh ở hai mặt" - nghệ nhân Ksor Hnao ở làng Kép (phường Thống Nhất, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), bật mí.

Khi được khơi lên từ nhịp vỗ của những chàng Đam San hừng hực sức sống, tiếng chiêng arap cùng tiếng trống hơgơr phát ra hợp âm khi như tiếng suối chảy róc rách, lúc như tiếng gầm thét của sấm sét vào mùa thần nước khóc và khi ai oán như nỗi đau của những đôi tình nhân bị chia lìa... Âm thanh ma mị đó được nghệ nhân Aly đúc kết bằng nhận định: "Lễ cúng cầu mưa, lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả… không thể thiếu tiếng trống hơgơr. Tiếng trống là cầu nối giữa buôn làng với thánh thần. Tiếng trống làm Yàng vui, khiến ma quỷ hoảng sợ không dám đeo bám, làm hại mọi người".

Tuyệt kỹ giữa đại ngàn

Tìm hiểu về chiếc trống "Yàng vui - quỷ sợ", thật bất ngờ trước kỹ thuật chế tác công phu, đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề điêu luyện và mất nhiều công sức. Nghệ nhân Aly nói: "Người làm được hơgơr phải là người biết sử dụng nó. Ai gõ hay, lâu năm sẽ làm ra cái hơgơr tốt. Nghĩa là để càng lâu thì cái âm càng trầm ấm và vang rất xa".

Năm nay tuổi ngoài 50, Aly cho biết, chiếc trống mà anh đang sử dụng "Có tuổi đời hơn tuổi mình. Sau khi ông già mất thì mình sử dụng nó". Để làm trống, hồi còn là thanh niên, cha Aly vào rừng sâu tìm cây gỗ trắc thối đốn hạ, cắt khúc rồi kỳ công khoét lõi.

"Sau đó ông già tiếp tục vào rừng săn con mang nhiều tuổi lột da đem ngâm trong nước nhiều ngày rồi bịt lên hai đầu. Tang trống thì ông già dùng dây mây rừng lâu năm quấn chặt".

Những năm sau này, do rừng trắc đại thụ và loài mang bị phường sơn tặc đốn hạ, bắn giết bừa bãi nên nghệ nhân làm trống hơgơr phải sử dụng cây gỗ tạp, da trâu chưa đủ tuổi nên âm thanh và độ bền của trống không được tốt. Aly lắc đầu: "Những cái trống hơgơr đó để lâu không những không hay mà còn dễ hư hại".

Sau cuộc gặp gỡ với nghệ nhân Aly, chúng tôi có chuyến du khảo đến huyện Lắk và tình cờ được KSiêng, con trai một nghệ nhân nay đã là người thiên cổ, bật mí tuyệt kỹ làm trống hơgơr gần như bí truyền. Sau công đoạn  "đốn cây cổ thụ moi lõi", thay vì khứa vành quanh hai đầu miệng trống để tạo độ lõm ràng da thì "người xưa" dùng mật ong thoa quanh chờ mối ăn, đến khi thấy được thì giũ sạch. Với kỹ thuật này, da trống không cần phải là da mang mà dùng da trâu. Mặt trên da trâu đực, mặt dưới da trâu cái.

Chỉ vào chiếc trống hơgơr đang được một thanh niên gõ thùng thùng trước nhà rông, KSiêng trĩu giọng: "Cái trống này làm vụng lắm. Do không xử lý đúng kỹ thuật (da trâu chưa đủ tuổi, căng chưa đủ độ, gỗ không tốt…) nên âm thanh nó cứ đùng đùng chứ không "âm mà vang" như chiếc trống gia bảo của gia đình mình bị hỏng cách đây 7 năm do sút dây rớt xuống sàn nhà". - KSiêng tặc lưỡi: "Âm thanh của cái trống hơgơr xưa và bây giờ khác nhau lắm!".

- Làm thế nào để nhận biết đâu là trống hơgơr xưa và nay?

- Dễ thôi mà! Sau này người ta dùng đinh sắt đóng trống. Ngày trước thì dùng đinh tre. Đinh tre được làm từ cây tre lâu năm. Để tránh bị mối mọt và tạo độ bền, trước khi đóng trống nó được ngâm lâu ngày trong nước. Sau đó huơ nhiều lần trên ngọn lửa đấy".

Áp dụng chỉ điểm của KSiêng, qua quan sát chiếc trống hơgơr của Aly, tôi nhận thấy những chiếc đinh đóng trống đúng là rất đặc biệt. Mỗi chiếc đinh tre ăn sát lớp da mang có màu ngà, tiết diện to bằng ngón trỏ người lớn.

Hỏi "Làm thế nào để dùng tre làm đinh đóng xuyên qua lớp da mang, xuyên qua lớp gỗ cứng như thạch?" thì những nghệ nhân hậu bối như Aly, KSiêng, Ksor Hnao… lắc đầu. Kỹ thuật đó đến nay với họ vẫn là bí mật

 

Nguồn: Website báo CAND

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT