Non nước Việt Nam

Lễ hội cúng biển Mỹ Long của ngư dân Trà Vinh

Cập nhật: 18/08/2009 08:05:05
Số lần đọc: 2130
Tại ngôi làng cổ ven biển Mỹ Long - Cầu Ngang, cách thị xã Trà Vinh (Trà Vinh) chừng 30km, vào những ngày thượng tuần tháng 5 âm lịch, lễ hội cúng biển, hay còn gọi là Lễ hội Nghinh ông diễn ra sôi động, trở thành nét đẹp tâm linh của ngư dân miền duyên hải.

Sau Tết Nguyên đán, những người dân biển bắt đầu vào mùa đánh bắt. ăn Tết xong, ai cũng mong đến ngày cúng biển. Lễ hội này thường được ngư dân tổ chức rình rang hơn Tết. Người ta gọi là Lễ cúng ông.

Lễ hội cúng biển Mỹ Long diễn ra trong ba ngày. Ngày mùng 10 tháng 5 được xem như ngày đầu tiên. Trong ngày đầu tiên, những người trong ban Hội miếu Bà Chúa Xứ hay còn gọi là ban hương chức tất bật chuẩn bị lễ: Quét dọn, trang trí đường sá, cổng chào, chuẩn bị nấu nướng để có bữa cơm tươm tất đãi hàng chục ngàn khách thập phương. Nhưng lo lắng nhất vẫn là việc tập hợp đoàn ghe để sáng sớm ngày mai ra biển làm Lễ Nghinh ông.Tất cả những người phục vụ cho lễ hội đều là thành viên tự nguyện.

Buổi lễ Nghinh ông chính thức bắt đầu từ mờ sáng ngày 11/5. Sáng sớm, có một đoàn thuyền được tập hợp từ chiều hôm trước, kéo còi rời bến đi rước ông. Trên thuyền chính trang bị dàn nhạc ngũ âm, múa lân. Thuyền treo cờ kết hoa, dừng lại ở nơi sông và biển giáp nhau, ba hồi tù và vang lên, sau đó đoàn tàu nhất loạt phụt khói đen, lướt sóng tiến ra biển. Kèn và trống nổi lên không dứt, tạo nên một âm thanh sôi động cả một vùng.

Sau khi đoàn ghe Nghinh ông từ biển trở về, ban hương ước tổ chức phần cúng lễ tại làng. Các chủ thuyền cúng ngay tại thuyền mình. Riêng phần lễ cúng của làng là cúng tiền hiền, hậu hiền. Việc tiếp và đãi khách thập phương ăn uống là niềm vui với người đi biển. Họ chia sẻ với nhau ly rượu, chung trà, chén cơm trắng, cá tươi và cả những lời yêu thương trìu mến. Đến chiều, khi mặt trời lặn là bắt đầu vào lễ tế Chúa Xứ Nguyên Nhung. Tại buổi lễ này, một vị trong ban hương chức đọc văn tế và lễ xướng. Nhiều tiết mục văn nghệ theo thể loại hát bội được thể hiện, đặc biệt là màn múa bông rất sôi động và hấp dẫn.

Phần cuối cùng là lễ cúng chánh tế, bắt đầu từ 24 giờ cùng ngày. Lễ cúng là một con heo, hai mâm xôi, rượu và trà. Điều khiển buổi lễ là một ngư dân cao tuổi, có uy tín trong làng. Học trò lễ và dàn nhạc ngũ âm là những người đàn ông được chọn trong số ngư dân địa phương.

Ngày thứ ba tức đến sáng 12/5 là lễ nghinh Ngũ phương. Lần này thì người ta khiêng kiệu đi đường bộ, vừa đi vừa đánh trống vòng theo 5 hướng qua chợ Mỹ Long và các ấp lân cận. Đúng Ngọ (12 giờ trưa), ban tổ chức đặt heo quay lên chiếc tàu có đáy kết bằng chuối cây, vỏ tàu bằng nan tre, được dán giấy vẽ màu giống như tàu thật, trong tàu có đủ tài công, thủy thủ và các vật dụng đi biển làm bằng giấy. Khi tàu chở đầy đủ lễ vật (heo cúng, gạo, muối), vị pháp sư điều binh khiển tướng xuống tàu chở chư vị để tống ra khơi. Tàu dần trôi theo dòng nước mang theo lời nguyện cầu gửi gắm của dân làng một năm mưa thuận gió hòa. Đến khi mọi người không còn nhìn thấy chiếc tàu vừa thả nữa thì một hồi trống bãi chầu vang lên, kết thúc lễ.

 

Lễ hội cúng biển Mỹ Long kết thúc trong sự lưu luyến của khách thập phương. Ngàn lời cầu chúc tốt lành sẽ như luồng gió mới thổi căng những cánh buồm đang khao khát ra khơi của ngư dân trong mùa biển mới.

Nguồn: website KTNT

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT