60 năm Du lịch Việt Nam: Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng hiện đại, đẳng cấp góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam
Trong giai đoạn 1990-2019, khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 72 lần, từ 250 nghìn lượt lên hơn 18 triệu lượt; khách nội địa tăng 85 lần từ 1 triệu lượt lên 85 triệu lượt. Để đáp ứng cho nhu cầu tăng nhanh về lượng khách trong nước và quốc tế thì hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trong nước cũng ngày càng được mở rộng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Năm 1990, cả nước mới có 350 cơ sở lưu trú du lịch với 16.700 buồng thì đến năm 2019 cả nước đã có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 buồng. Như vậy, sau 30 năm đổi mới và mở cửa hội nhập với nền kinh tế thế giới, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch của ngành Du lịch Việt Nam đã tăng 85 lần về số lượng cơ sở lưu trú du lịch và tăng 39 lần về số lượng buồng.
Biểu đồ 1: Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam, giai đoạn 1990-2019
Nguồn: Tổng cục Du lịch
Toàn ngành và các địa phương, đặc biệt là ở các địa bàn trọng điểm du lịch, đã phát huy nội lực, huy động vốn từ các thành phần kinh tế để phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, trong đó có hệ thống cơ sở lưu trú du lịch. Qua quá trình tích lũy trong nhiều năm và những nỗ lực vượt bậc trong những năm gần đây, đến nay hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam đã vươn tầm phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Khách sạn Hotel de la Coupole – Mgallery (Sa Pa, Lào Cai)
Đặc biệt, giai đoạn 2015-2019, du lịch Việt Nam chứng kiến sự phát triển sôi động của thị trường với sự ra đời hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, hiện đại nhờ sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn, các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Vingroup, FLC, BIM, BRG…
Tính đến hết năm 2019, có 484 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 4-5 sao trên toàn quốc với hơn 100.000 buồng. Ở một số điểm du lịch như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc,... đã xuất hiện những khu nghỉ dưỡng sang trọng đẳng cấp hàng đầu thế giới, là điểm đến của những người nổi tiếng có nhu cầu trải nghiệm sản phẩm độc đáo, chất lượng cao. Cùng với đó là xu hướng hình thành các tổ hợp/quần thể nghỉ dưỡng, giải trí quy mô lớn cung cấp hoàn chỉnh các dịch vụ cho khách từ ăn, nghỉ, vui chơi giải trí, tham quan... nhằm kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách.
Khách sạn Sofitel Metropole Hanoi được xây dựng từ năm 1901, là khách sạn 5 sao đầu tiên và đồng thời là khách sạn lâu đời nhất ở Hà Nội.
Bên cạnh đó, các hình thức lưu trú du lịch khác cũng được mở rộng, đáng chú ý là loại hình lưu trú kết nối qua airbnb, homestay, boutique hotel, mô hình time-share... Dấu ấn về công nghệ số hiện hữu ngày càng rõ nét trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú với xu hướng gia tăng đặt phòng trực tuyến, thanh toán điện tử, công nghệ thông minh được áp dụng trong quản lý và cung cấp tiện ích phục vụ khách tại cơ sở lưu trú.
Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp của Việt Nam đã vinh dự được nhận những giải thưởng danh giá trên thế giới như World Travel Awards, World Luxury Hotel Awards…, được nhiều du khách lựa chọn thông qua các website tư vấn du lịch quốc tế.
Những năm qua, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam đã tham gia phục vụ chu đáo các sự kiện lớn của ngành và đất nước như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019 tại Hạ Long, Đại Lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 và nhiều sự kiện quan trọng khác. Qua đó góp phần khẳng định vai trò, vị thế, khả năng củaViệt Nam trong việc đăng cai tổ chức các sự kiện quan trọng của thế giới, là đối tác thân thiện, tin cậy và hòa bình./.