60 năm Du lịch Việt Nam: Hoạt động lữ hành ngày càng sôi động với sự lớn mạnh của hệ thống doanh nghiệp
Doanh nghiệp lữ hành tăng nhanh số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của du lịch nước nhà
Từ khi thành lập vào năm 1960, ngành Du lịch Việt Nam đã trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cụ thể trong mỗi thời kỳ khác nhau. Trong thời kỳ chiến tranh, ngành du lịch chủ yếu phục vụ công tác đối ngoại đón các đoàn khách của Đảng, Nhà nước. Sau khi hòa bình lập lại, ngành du lịch tiếp quản các cơ sở du lịch ở các tỉnh, thành phố và dần mở rộng hoạt động, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Sau khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa, chuyển dần sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành trở nên sôi động hơn với sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, người lao động trong ngành.
Nếu như năm 1990, ngành du lịch mới chỉ đón được 250 nghìn lượt khách quốc tế, cả nước chỉ có 4 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, thì đến năm 1996 đã có 76 doanh nghiệp. Năm 2005, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,5 triệu và số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế là 428. Đến hết năm 2019, cả nước đã có 2.667 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, gấp 6,2 lần so với năm 2005, trong bối cảnh lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt trên 18 triệu lượt.
Trong số 2.667 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, số lượng doanh nghiệp thuộc loại hình TNHH chiếm 62,4%, cổ phần chiếm 36,3%, còn lại 1,4% là loại hình doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Sự gia tăng về số lượng các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực ngành du lịch Việt Nam, khẳng định du lịch Việt Nam đủ khả năng đón các đoàn khách quốc tế đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã chủ động thiết lập các văn phòng đại diện ở nước ngoài, là cơ sở để xúc tiến quảng bá tại chỗ, thu hút khách từ các thị trường trọng điểm.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng nhanh qua từng năm, đặc biệt giai đoạn từ 2015-2019 vừa qua, đạt trung bình 22,7% mỗi năm, được Tổ chức Du lịch thế giới xếp vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế nhanh nhất trên thế giới. Những kết quả nổi bật đó có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, chủ động xúc tiến, quảng bá thu hút khách, thường xuyên nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ hình ảnh và thương hiệu du lịch Việt Nam.
Biểu đồ 1: Số lượng doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, giai đoạn 1990-2019
Nguồn: Tổng cục Du lịch
Cùng với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, đội ngũ doanh nghiệp lữ hành nội địa cũng dần phát triển, góp phần phục vụ một lượng khách nội địa ngày càng lớn. Nền kinh tế Việt Nam ngày càng ổn định và đi lên, người dân Việt Nam có điều kiện, khả năng và nhu cầu đi du lịch ngày càng nhiều. Nếu như năm 1990 mới có 1 triệu lượt khách du lịch nội địa, thì đến năm 2019 con số đó đã là 85 triệu lượt. Du lịch nội địa đã trở thành một động lực quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của ngành Du lịch Việt Nam.
Tính đến hết năm 2019, cả nước đã có hơn 500 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa. Theo quy định mới của Luật Du lịch 2017, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh lữ hành như doanh nghiệp lữ hành quốc tế, là yếu tố góp phần bảo đảm chất lượng dịch vụ phục vụ khách.
Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa đã chủ động thường xuyên đầu tư, khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, kết nối tuyến điểm du lịch vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường khách nội địa.
Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch được bồi đắp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách
Tính đến hết năm 2019, cả nước có 27.683 hướng dẫn viên du lịch, tăng 15% so với năm 2018, trong đó có 17.825 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 9.134 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 724 hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Đội ngũ hướng dẫn viên có trình độ từ đại học trở lên (chiếm 71,3%), tốt nghiệp cao đẳng (chiếm 18%), trình độ khác (chiếm 10,7%).
Biểu đồ 2: Số lượng và cơ cấu hướng dẫn viên du lịch tính đến hết năm 2019
Nguồn: Tổng cục Du lịch
Hàng năm, Tổng cục Du lịch đều tổ chức các khóa tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch cho các địa phương; hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức thi nghiệp vụ điều hành, hướng dẫn viên du lịch; kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch... góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch trên toàn quốc./.
Trung tâm Thông tin du lịch (TCDL)