Núi Mo So (Kiên Giang): Hấp dẫn du khách
Núi Mo So như vành khăn, ôm lấy một thung lũng nhỏ rộng chừng 2.000m2, cây cối tốt tươi và có nhiều khỉ. Trong lòng các hang động của Mo So có những con suối ngầm chảy lượn theo những hành lang, vách núi. Trong các động có nhiều thạch nhũ hình bát úp, đá tai mèo và nhiều lỗ thông với tự nhiên.
Thời chiến tranh, Mo So là căn cứ địa vững chắc của Cách mạng. Những hang động ăn thông, luồn với nhau hình thành những ngóc ngách bí hiểm. Có chỗ hang chỉ vừa một người lách qua. Có chỗ hang phình ra rộng rãi như căn nhà lớn với nhiều cửa. Mỹ, ngụy đã từng dội xuống đây biết bao bom đạn nhưng thiên nhiên chẳng hề hấn gì!
Ngày nay, đường đi dễ dàng nên có nhiều khách du lịch, tham quan tìm đến Mo So để ngoạn cảnh và tìm hiểu lịch sử. Hiện nay, trong hang còn có các hàng quán bán đồ ẩm thực và nước giải khát phục vụ cho khách tham quan, hành hương. Du khách có thể yêu cầu hướng dẫn viên là người địa phương dẫn dắt vào hang động để khám phá. Tham quan hang cũng rất thuận lợi vì nhiều nơi trong hang được thắp sáng bởi đèn điện, nếu cẩn thận, khách có thể mang theo đèn pin. Lòng hang tạo cảm giác cho khách vào thăm như đi khảo sát lòng đất với không khí ẩm ướt, mát lạnh, thỉnh thoảng có vài con dơi đập cánh bay sàn sạt ngang mặt khiến người đi giật mình! Sau khi đi ngoằn ngoèo trong bóng tối thâm u, bỗng ánh sáng bừng lên, ấy là bạn đã đến cửa và đối diện với thung lũng.
Về đêm thung lũng Mo So điện sáng trưng, đông vui, ấm cúng. Nhiều du khách ngồi “lai rai” trong hang động hoặc ngoài thung lũng Ngồi trò chuyện với bạn bè ở đây, khách như sống giữa đất trời, núi non, hang động kỳ vĩ, thâm nghiêm, kỳ bí.
Chiều ở Mo So rất đẹp. Những đàn chim chập chờn vỗ cánh bay về dãy núi Bình An phía biển, phía Hòn Chông, Hòn Trẹm, An Hải Sơn điểm xuyết làm sinh động bức tranh chiều trầm lắng.
Nếu ở lại đây qua đêm, buổi sáng khi nắng lên, du khách sẽ được hít thở không khí trong lành với những làn gió mát dịu, tinh khôi, thổi liu riu từ biển về. Du khách có thể đi vòng ra phía sau núi tìm hiểu những sinh hoạt của bà con quanh vùng. Dân cư thưa thớt, cảnh quan còn khá hoang sơ với những rừng cây và vài ngôi nhà nhỏ ven triền núi. Sát chân núi là những đầm ao nuôi tôm, cua quảng canh hoặc bán công nghiệp. Nghề nuôi hải sản cho nông ngư dân thu nhập khá ổn định. Xen kẽ các vuông tôm là rừng đước tái sinh nhiều mọc lưa thưa...
Ở những cánh đồng cỏ năn quanh Mo So, mấy năm gần đây, vào khoảng tháng ba, tháng tư có những đàn sếu đầu đỏ hàng trăm con bay về. Chúng tìm thức ăn và cùng bạn tình giao phối. Cũng không khó lắm để quan sát và thưởng thức những vũ điệu tuyệt vời của đám hạc trời nầy, nếu như bạn có ống dòm và chịu khó theo dõi với sự hướng dẫn của bà con địa phương. Đã có khá nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh ghi lại được những hình ảnh những điệu “luân vũ” vô cùng độc đáo của đàn sếu đầu đỏ. Vùng Tràm Chim, Tam Nông (Đồng Tháp) và vùng Mo So, Kiên Lương (Kiên Giang) là hai nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận sự có mặt hầu như khá đều đặn của đàn chim quý hiếm nầy theo định kỳ hàng năm.
Phía Đông Mo So là dải núi Bình An còn khá nhiều rừng. Cư dân địa phương kể rằng thỉnh thoảng gặp heo rừng, nai, trăn, rắn hổ chúa... Dọc theo dải Bình An là làng đánh cá Ba Trại, xưa là căn cứ của ngài Nguyễn Trung Trực, quần thể khu du lịch Chùa Hang- Hòn Phụ Tử.
Đến Mo So, khám phá những hang động bí ẩn trong lòng núi đá vôi, sẽ khiến cho bạn có nhiều cảm xúc lạ trước cảnh quan và lịch sử.