Non nước Việt Nam

Về Mỹ Hòa Hưng (An Giang), thăm quê hương Bác Tôn

Cập nhật: 04/09/2009 11:20:34
Số lần đọc: 3180
Mỹ Hòa Hưng hay còn gọi là Cù lao Ông Hổ, chỉ cách TP.Long Xuyên một nhánh sông. Mất khoảng 15 phút là mọi người sẽ bước vào một không gian thoáng đãng, yên ắng, hiền hòa, nép mình bên những vườn cây trái xanh um. Trong khoảng không gian yên bình ấy, trên con đường trải nhựa dài thẳng tấp, đi vài trăm mét, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng hiện ra vừa uy nghi, giản dị...

Không khí lễ hội trung tuần tháng 8, kỷ niệm ngày sinh của Bác Tôn năm nay vẫn còn nguyên; đây đã thành thông lệ hàng năm của người dân vùng đất cù lao này. Bởi trong tháng 8 và những ngày đầu tháng 9, hàng loạt các hoạt động lễ hội diễn ra làm cho vùng đất yên ả này thêm nhiều sắc màu. Hàng chục ngàn khách du lịch từ các nơi đổ về, vừa thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình, tắm mình trong không khí mát rượi, trong lành và được nghe những câu chuyện về cuộc đời của vị Chủ tịch đáng kính; nghe những câu chuyện về địa danh Cù lao Ông Hổ...

 

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng được bao bọc trong vườn cây xanh, thảm cỏ rất đẹp. Khu này bắt đầu hình thành từ khi Bộ Văn hóa Thông tin có quyết định công nhận ngôi nhà ở ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng, nơi Bác Tôn sinh sống thời niên thiếu là di tích lịch sử lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Sau đó, việc tôn tạo, trùng tu và định hướng quy hoạch bắt đầu, để đến hôm nay, nơi đây trở thành khu di tích lịch sử phục vụ khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch. Khu di tích có: Nhà trưng bày giới thiệu về cuộc đời hoạt động của Bác Tôn, Nhà lưu niệm thời niên thiếu, Đền tưởng niệm. Mỗi khu có một vẻ đẹp riêng, được thiết kế lồng ghép với hệ thống công viên cây xanh, rạch cảnh, cầu kiều với những con đường nội bộ rộng, thoáng và đẹp. Du khách ngắm nhìn những thảm cỏ, qua những chiếc cầu thơ mộng, xem những chú cá vàng tung tăng đớp mồi trong khoảng không gian yên bình.

 

Ngôi nhà di tích lưu niệm thời niên thiếu của Bác Tôn được xây dựng theo kiểu nhà sàn có chân táng, cột gỗ tràm, nền sàn lót ván, mái lợp ngói ống. Bên trong ngôi nhà vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật như bộ ngựa gõ mà Bác thường nằm lúc nhỏ, tủ thờ cẩn ốc xà cừ... Phía  sau ngôi nhà là phần mộ của song thân và em trai của Bác. Dù đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nhưng khu này vẫn giữ được bảo tồn nguyên trạng... Còn Khu tưởng niệm có khuôn viên rộng, nằm cặp bờ sông Hậu. Dù là công trình mới, nhưng được xây dựng với kiểu dáng gần gũi với truyền thống bởi kiểu mái nhị cấp, lợp ngói đại ống đỏ, bờ nóc đắp bộ tượng lưỡng long tranh châu, bốn phía đều được đắp hình tượng các con rồng - đặc trưng của kiến trúc cổ Việt Nam. Từ ngoại đến nội thất, đều được làm rất tỉ mỉ, màu sắc, kiểu dáng, họa tiết trang trí được bố cục hài hòa, đậm nét truyền thống văn hóa dân dộc. Sau khi đốt nén hương cho Bác, để bày tỏ lòng kính trọng và tưởng nhớ công lao của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mọi người có thể tham quan quanh khu này, trước khi bước vào khu trưng bày giới thiệu thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch.

 

Còn Khu nhà xây đối diện với Đền tưởng niệm có kiểu kiến trúc truyền thống. Mặt trước nhà trưng bày có đắp hai phù điêu hình con Hổ (biểu trưng cho Cù lao Ông Hổ). Hàng loạt những hình ảnh về toàn bộ cuộc đời của Bác được tái hiện ra trước mắt người xem. Mỗi giai đoạn về cuộc đời của Bác đều có tư liệu, hiện vật gốc minh chứng cho các sự kiện lịch sử gắn liền với Bác một cách sống động. Khu lưu niệm này không chỉ là điểm đến của du khách, mà còn là nơi để sinh hoạt truyền thống, về nguồn và là tụ điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong những ngày lễ lớn của đất nước.

 

Rời Khu lưu niệm, mọi người có thể dạo một vòng quanh đất cù lao giữa không gian xanh mát, để nghe truyền thuyết về Ông Hổ như một câu chuyện về con người với lòng nhân ái đã cảm hóa cả loài thú dữ. Nếu thích khám phá cuộc sống của người dân trên mảnh đất cù lao, du khách có thể nghỉ tại nhà dân để thưởng thức các món đặc sản của miền sông nước, nghe rao những câu tài tử ngọt lịm; thăm các bè cá dọc bờ cù lao và cảm nhận cuộc sống đang đổi thay từng ngày trên miền quê giàu truyền thống này.

Nguồn: Báo Hậu Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT