Chuỗi hang động mới được phát hiện ở Quảng Bình: Sẽ khảo sát, đánh giá đầy đủ
Khám phá những điều bí ẩn để đánh thức tiềm năng du lịch phát triển kinh tế của chuỗi hang động này, đồng thời bảo tồn hệ môi trường sinh thái phong phú vốn có trong khu vực là vấn đề được đặt ra bây giờ cho các ngành chức năng ở Quảng Bình. Ông Nguyễn Mậu Nam, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch(VHTTDL) Quảng Bình cho biết:
“Ngay sau khi các phương tiện truyền thông thông tin về việc phát hiện chuỗi hang động khô và nước được gọi là động Tú Làn ở xã Tân Hoá, Sở VHTTDL Quảng Bình đã công văn số 325/SVHTTDL-NVVH đề nghị UBND huyện Minh Hoá cần có sự chỉ đạo kịp thời các cơ quan hữu quan và chính quyền xã Tân Hoá tăng cường trách nhiệm về công tác quản lý, giữ gìn cảnh quan môi trường sinh thái, cây xanh, động thực vật, thạch nhũ trong động... để điều tra, khám phá phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và tham quan du lịch của tỉnh nhà. Sở VHTTDL cũng đã báo với UBND tỉnh để tỉnh có ý kiến chỉ đạo các ngành chức năng sớm có kế hoạch bảo vệ, khảo sát, đánh giá những hang động mới phát hiện này.
UBND huyện Minh Hoá bước đầu đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và chính quyền xã Tân Hoá có kế hoạch bảo vệ, giữ gìn môi trường và cảnh quan thiên nhiên khu vực này. Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Minh Hoá đã tiến hành khảo sát một số hang động trong khu vực vùng rừng núi xã Tân Hóa. Tại đây, đoàn khảo sát của huyện Minh Hoá đã phát hiện 5 hang động mới gồm cả hang dạng sông ngầm và hang khô, với những cột thạch nhũ đá hàng triệu năm tuổi và độ sâu của hang chưa thể xác định là bắt nguồn từ Việt Nam hay nước bạn Lào. Tuy nhiên, cuộc khảo sát này không có tính chất định lượng, nên giá trị của các hang động mới, đặc biệt là 3 động sông ngầm có cửa rộng và đẹp vẫn chưa được xác định hoàn chỉnh.
Sở VHTTDL cũng đã có kế hoạch phối hợp với UBND huyện Minh Hóa mời các nhà khoa học tiến hành khảo sát chuỗi hang động Tú Làn và khu vực thung lũng ở xã Tân Hoá để xác định giá trị địa chất, địa mạo, hệ sinh thái động, thực vật... Từ đó có kế hoạch khai thác, gìn giữ bảo vệ những giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng.
Việc đánh giá giá trị địa chất, địa mạo và hệ sinh thái động, thực vật... ở chuỗi hang động Tú Làn và toàn bộ khu vực này đầy đủ, chính xác đòi hỏi cần có thời gian và sự tham gia của nhiều cấp, ngành và của các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Trên cơ sở khảo sát, đánh giá của các ngành chức năng và các nhà khoa học về giá trị địa chất, địa mạo của chuỗi hang động Tú Làn và hệ sinh thái động, thực vật ở khu vực này, Sở VHTTDL sẽ có phương án cụ thể về công tác bảo tồn và nghiên cứu khả năng khai thác du lịch hệ thống hang động Tú Làn và khu vực này. Tuy nhiên, đánh thức tiềm năng du lịch để phát triển kinh tế của các hang động ở đây còn phụ thuộc rất nhiều vào sự thu hút đầu tư của tỉnh mà đặc biệt là việc xây dựng các cơ sở hạ tầng để phục vụ du lịch.”