Du lịch tâm linh ở Ngũ Hành Sơn-Đà Nẵng
Hang động chùa cổ và lòng thành kính dân gian
Ông Huỳnh Bá Dương Giám đốc Trung tâm Văn hóa -Thể thao quận NHS cho rằng không phải bây giờ mà từ xa xưa, du lịch tâm linh đã hình thành: “Đến NHS là đến với chùa chiền, hang động, lễ hội..., khiến tâm con người thanh tịnh, thoát tục như đang ở cõi Trời”. Tất cả những gì hiện có đã kiến tạo nên một không gian NHS nhẹ nhàng, thanh thoát, để mọi du khách đến đó đều tự khắc im lặng và kính cẩn nghiêng mình trước các chùa, tượng cổ.
“Chuyện leo núi ngắm cảnh thì ở đâu cũng có, nhưng ở đây, chúng tôi khai thác mạnh khía cạnh tâm linh, gợi sự tò mò, hiếu kỳ và thành kính của du khách, qua những truyền thuyết, những điều kỳ bí về các hang động”, chị Trần Thị Mẫn, Phó Trưởng Ban quản lý danh thắng NHS nói.
Ngoài những dịp lễ lớn, hằng ngày, du khách và người dân địa phương đều tìm đến các động Quan Âm, Huyền Vi, Huyền Không để cầu mong những điều tốt đẹp. Chính vì vậy, trong lúc ngành du lịch đang gặp khó, khách du lịch sụt giảm, thì tại khu danh thắng này, khách các miền cứ nườm nượp kéo tới.
Tính từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 230 nghìn lượt khách nội địa đến đây, tăng gần 19% (tương đương trên 35 nghìn lượt) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, động Âm phủ với những câu chuyện lịch sử về 5 Dũng sĩ Ngũ Hành (mà qua cách kể của dân gian đã trở thành truyền kỳ), cùng cách bài trí y như khung cảnh địa ngục đã thu hút tới khoảng 4.000 lượt khách mỗi tháng.
Từ Lễ hội Quán Thế Âm đến Lễ hội Báo hiếu
Bao nhiêu năm qua, Lễ hội Quán Thế Âm (19/2 ÂL) trở thành điểm hẹn của khách tứ phương, “kéo” hàng trăm nghìn lượt người đến chiêm bái. “Lễ hội thu hút mọi người, dù người đó có theo đạo Phật hay không, nên không còn dừng lại ở một lễ hội tôn giáo nữa, mà đã trở thành lễ hội dân gian, gần gũi với người dân khắp mọi miền Nam - Bắc”, ông Dương khẳng định.
Theo ông Dương, sắp tới, lễ hội này sẽ được tổ chức theo hướng: 2 năm làm lớn một lần trùng với năm thành phố không tổ chức Cuộc thi Bắn pháo hoa quốc tế. Trong lễ hội năm sau, BTC sẽ mời Pháp vương của dòng tu Mật tông (một tông phái của Phật giáo) ở Nepal đến thuyết pháp, mang theo đội ngũ đệ tử có đến hàng ngàn người.
Chị Mẫn cũng cho biết, dự định nâng Đại lễ Vu lan thành Lễ hội Vu lan (báo hiếu) vào rằm tháng 7 ÂL hằng năm, được tổ chức ở động Âm phủ. Theo đó, lễ hội sẽ nhắc nhở mọi người về lòng hiếu thảo, cũng vừa là dịp tưởng nhớ cội nguồn bằng việc tri ân các anh hùng liệt sĩ của Ngũ Hành Sơn.
“Theo đề án xây dựng Lễ hội Vu lan, chúng tôi sẽ tổ chức rước ánh sáng từ động Âm phủ đến tất cả các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quận”, chị Mẫn nói. Ông Dương chia sẻ thêm, kèm theo phần lễ này sẽ là phần hội gồm các trò chơi dân gian, đặc biệt là đêm diễn vở “Mục Liên Thanh Đề” trong 45 phút, tái hiện cảnh đức Mục Kiền Liên mang cơm cho Mẹ ở địa ngục, do Đoàn ca múa nhạc dân gian Non Nước thể hiện.
Việc tách lễ “Thạch nghệ tổ sư” (tổ sư làng đá) ra khỏi Lễ hội Quán Thế Âm hằng năm, hình thành một lễ hội riêng đã được quận NHS tính đến, với kỳ vọng: “Du khách đến với Đà Nẵng là đến với một chuỗi lễ hội đầy màu sắc, thiêng liêng và nhân văn”.