Non nước Việt Nam

Di tích Gò Thành (Tiền Giang)

Cập nhật: 09/09/2009 11:05:38
Số lần đọc: 2207
Di tích Gò Thành thuộc ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cách chợ Ông Văn, xã Đăng Hưng Phước chừng 200 m. Những người Việt đầu tiên đến khai phá vùng đất này; thấy trên gò có nhiều gạch, cho đó là vết tích của một thành xưa nên đặt tên là Gò Thành. Cổng Khu di tích Gò Thành có kiến trúc theo phong cách Hindu khá ấn tượng. Bạn sẽ thấy các bảng chỉ dẫn, giới thiệu sơ lược về khu di tích này khắc hai bên cổng.

Năm 1941, L.Malleret, nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện ra di chỉ Gò Thành và sau đó ông đã thu thập được một số hiện vật. Do nhiều nguyên nhân, mãi cho đến năm 1988, khu di tích này mới được khai quật. 

 

Trong các năm 1988-1990, Bảo tàng Tiền Giang kết hợp với Trung tâm Khảo cổ học (thuộc Viện KHXH Quốc gia) tiến hành liên tục 3 lần khai quật, khảo sát di tích này. Tham quan khu di tích, bạn sẽ tận mắt thấy toàn bộ hiện trường nơi khai quật là một khu đất rộng có chứa rất nhiều di tích cổ xưa nằm dưới giồng đất cát pha sét sâu từ 2-3 m, trong một gò đất rộng hơn 1 ha. Sau các lần khai quật, các nhà khảo cổ đã gặp nhiều mảnh gốm cổ bị vỡ; nhiều vòi bình; nhiều di cốt trâu bò, heo và xương cá; nhiều dấu vết tro, than, vỏ trái cây, lá dừa nước; cùng với vài cọc gỗ có dấu vết đục đẻo. Dưới độ sâu từ 1,5-3 m, ở khu vực gò cao, là dấu tích khá rõ ràng của những đền tháp bằng gạch được xây dựng cạnh nhau, hiện chỉ còn phần nền. Nền tháp được xây dựng kiên cố với những lớp gạch nung. Có những hố giếng hình vuông, ở giữa có ốc đảo với nhiều kích thước. Phía đáy hố, người ta đôi lúc gặp các mảnh vàng hình vuông hoặc hình tròn cắt hình cánh sen, có khắc thú vật, thường là hình đầu mặt voi, một ít tro. Người ta cho đây có thể là những bệ thờ hoặc mộ táng của người Phù Nam. Có 12 hố và mộ với dạng hình giếng nằm rải rác trong khu di tích đã khai quật. Theo các tài liệu khảo cổ học đã công bố, có đến hơn 100 hiện vật bằng vàng còn nguyên dạng, một số khác bị vỡ tìm thấy được ở khu di tích, trong đó có vòng đeo tay, hạt chuỗi, hình bông mai, hình tứ giác, hình đầu mặt voi... Các hiện vật trưng bày hầu như còn khá nguyên dạng.

 

Các nhà khảo cổ đã phân tích một số mẫu vật qua phương pháp phóng xạ C14 (Cacbon 14), họ kết luận khu di tích khảo cổ Gò Thành có niên đại từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 8 sau Công nguyên. Đây là một khu di tích còn lưu giữ khá nguyên vẹn và phong phú về nhiều loại hình di chỉ, nhất là di chỉ kiến trúc với nhiều đền tháp có quy mô khác nhau, rất hoành tráng và ấn tượng, tuy chỉ còn phần nền. Qua thư tịch cổ và các di chỉ cho thấy, Phù Nam thời ấy là một vương quốc thuộc vào loại hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á, có những thương cảng lớn, giao thương với nhiều quốc gia. Phù Nam có cơ cấu xã hội giống như các nước Nam Á, lấy Thần quyền và Vương quyền làm nền tảng. Người Phù Nam theo Ấn Độ giáo và thờ rất nhiều thần. Trong khu nhà trưng bày, ta sẽ gặp tượng thần Vishnu còn nguyên dạng, 1 tượng nữ thần và 1 tượng nam thần đều chỉ còn phần thân nhưng trông rất đầy đặn những nét sinh phồn thực; ở đây còn có cả mô hình sinh thực khí nữ, nam riêng biệt và sự kết hợp của cả hai, thể hiện nguồn gốc phát triển, sinh tồn của nhân loại. Trong khuôn viên của Khu di tích Gò Thành còn có một ngôi chùa cổ tên Phước Lâm Tự. Chùa này được tu bổ lại dưới thời vua Duy Tân (1906). Ngoài ra, còn có một ngôi đình hoành tráng mới được tôn tạo lại trên nền đất Gò Thành. Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận di tích khảo cổ Gò Thành là “Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia” vào ngày 12/12/1994.

 

Nguồn: Website Hậu Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT