TP.HCM: Chuẩn bị triển khai chương trình nghiên cứu định hướng phát triển tượng và tượng đài
Trong định hướng cần lưu ý về mối tương quan giữa quy hoạch vị trí tượng - tượng đài với không gian kiến trúc và nét đặc trưng của thành phố Hồ Chí Minh là thành phố đông dân, có vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa về nhiều mặt, đầu mối giao lưu quốc tế, có quá trình xây dựng, đấu tranh phát triển hơn 300 năm... Trước mắt, cần nghiên cứu, đánh giá sơ bộ về hệ thống tượng đài trước và sau năm 1975; xây dựng tiêu chí xây dựng tượng và tượng đài; xác định nội dung, chất liệu, tác giả, thời điểm lắp đặt, địa điểm, thực trạng về mỹ thuật và kết cấu xây dựng, tiểu sử nhân vật lịch sử, danh nhân của từng tượng đài…
Đối với các mẫu biểu trưng văn hóa tại các cửa ngõ ra vào thành phố là: cửa ngõ xa lộ Hà Nội, cửa ngõ giáp ranh huyện Củ Chi và huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, cửa ngõ đi về miền Tây Nam bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập, thiết kế đưa vào vị trí thực để khảo sát và mời Hội đồng Nghệ thuật xem xét góp ý để hoàn chỉnh các dự án.
Việc xét chọn mẫu biểu trưng của thành phố Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố chủ trì cùng Hội đồng Nghệ thuật và các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xét chọn mẫu Biểu trưng thành phố Hồ Chí Minh là Bến nhà Rồng làm chủ điểm để Thường trực UBND thành phố xem xét, quyết định trước khi trình Thường trực Thành ủy cho ý kiến chính thức về mẫu Biểu tượng của thành phố.