Đak Pơ (Gia Lai): Ngân vang cồng chiêng - ca múa nhạc dân gian
Huyện tổ chức lễ hội cồng chiêng đều đặn hàng năm để bà con có điều kiện giao lưu học tập lẫn nhau”Để chuẩn bị cho việc tham dự Festival Cồng chiêng Quốc tế Gia Lai- Việt Nam sắp tới, huyện Đak Pơ đã tổ chức thành công Liên hoan Cồng chiêng- Ca múa nhạc dân gian lần thứ II- năm 2009 (tại làng Leng Tô, xã Đak Pơ), với sự góp mặt của 6 đoàn, hơn 250 nghệ nhân đến từ các xã Ya Hội, Yang Bắc, Đak Pơ, An Thành, Phú An và xã Hà Tam. Đến với liên hoan, các đoàn đã tham gia 3 nội dung: Thi trò chơi dân gian (bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố, leo cây); thi ca múa nhạc dân gian và thi biểu diễn cồng chiêng. Đây là dịp để đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện có dịp hội tụ, gặp gỡ, giao lưu, học tập lẫn nhau, do đó các đoàn nghệ nhân đã không quản khó khăn hội tụ đông đủ tại liên hoan.
Niềm vui hân hoan không chỉ được thể hiện ở các nghệ nhân lớn tuổi, mà niềm vui đó được lan tỏa trong lớp thế hệ nghệ nhân trẻ, họ không chỉ hào hứng tham gia liên hoan mà còn xác định trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc kế tục truyền thống ông cha. Tâm sự với chúng tôi em Đinh Dôm- làng Jun, xã Yang Bắc nói: “Chúng em rất phấn khởi được tham gia cồng chiêng lần này. Đây là dịp để chúng em phát huy tài năng và gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa của ông cha để lại. Trước khi đi tham gia liên hoan cồng chiêng chúng em đã rất cố gắng luyện tập, để mong đạt được kết quả cao nhất”.
Có mặt trong suốt thời gian diễn ra liên hoan, chúng tôi thật sự bị cuốn hút bởi không khí nhiệt tình, sôi nổi của các đoàn tham gia tranh tài ở các nội dung. Tưng bừng, náo nhiệt nhất là phần thi các trò chơi dân gian, với các môn: Bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, leo cây, nhảy bao bố, được tổ chức trước lễ khai mạc, tiếng hò reo cổ động làm âm vang cả một góc trời. Đầm ấm, mượt mà, trữ tình và không kém phần sinh động, là phần thi ca múa nhạc dân gian, với 22 tiết mục dân ca do nghệ nhân các đoàn thể hiện bằng các loại hình hòa tấu, tốp ca, song ca, đơn ca và được đệm bằng các loại nhạc cụ truyền thống như: Đàn goong, sáo trúc, tơ rưng, krông pút, lục lạc… đã tạo nên nét đặc sắc, độc đáo riêng biệt của dân ca Bahnar. Đặc biệt một số nghệ nhân cao niên còn mang đến liên hoan những bài dân ca Hơ- mon cổ, gần như đã bị thất truyền, như bài “Ơi Chinh” (đoàn xã Hà Tam) tạo cho phần thi dân ca thật sự phong phú và đa dạng. Nhưng có lẽ sinh động nhất là phần trình diễn các bài cồng chiêng, những điệu múa xoang nhịp nhàng, uyển chuyển của các cô gái Bahnar như hòa quyện cùng những giai điệu cồng chiêng, trầm bổng, ngân vang do các chàng trai Bahnar thể hiện như lan tỏa, bay vút trong trời xanh Tây Nguyên. Ở phần thi này, mỗi đoàn trình diễn 2 bài, tổng cộng có 12 bài cồng chiêng. Nội dung phản ánh các lễ hội truyền thống của người Bahnar như: Lễ bỏ mả, lễ đâm trâu, lễ mừng chiến thắng, hay lễ mừng lúa mới… Các bài cồng chiêng được phục dựng, tái hiện gần như nguyên bản, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ bản sắc truyền thống của đồng bào Tây Nguyên- Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận.
Hiện nay, huyện Đak Pơ còn lưu giữ 304 bộ cồng chiêng các loại, với số lượng gần 4.000 chiếc (1.523 chiếc có núm và 2.446 chiếc không núm). Trong đó nhiều nhất là xã Yang Bắc, có 111 bộ cồng chiêng; xã Đak Pơ có 73 bộ và xã Ya Hội 37 bộ. Trong 32 làng còn lưu giữ các bộ cồng chiêng thì làng Leng Tô, xã Đak Pơ với 58 bộ; làng Hway xã Hà Tam 38 bộ và làng Bung xã Yang Bắc 32 bộ. Toàn huyện hiện có 32 đội cồng chiêng và 36 đội văn nghệ dân gian. |
Liên hoan Cồng chiêng- Ca múa nhạc, dân ca dân gian huyện Đak Pơ lần thứ II đã thành công với giải A ca múa nhạc dân gian được trao cho đoàn xã Yang Bắc và Ya Hội. 2 giải A cồng chiêng được trao cho đoàn nghệ nhân xã Ya Hội và Yang Bắc. Sau liên hoan này huyện Đak Pơ sẽ tuyển chọn đoàn nghệ nhân tiêu biểu đi tham dự Festival Cồng chiêng Quốc tế Gia Lai- Việt Nam lần thứ I năm 2009 dự kiến được tổ chức tại TP. Pleiku vào tháng 11/2009. Đây là nơi quy tụ nhiều đoàn cồng chiêng trong nước và các nước trong khu vực Đông Nam Á, vì thế việc tổ chức Liên hoan cồng chiêng ở huyện là bước tập luyện cần thiết để phục vụ tốt cho Festival sắp đến.