Non nước Việt Nam

Một số điệu múa dân gian trong lễ hội truyền thống ở Thái Bình

Cập nhật: 14/09/2009 10:03:48
Số lần đọc: 3160
Thái Bình là tỉnh đất chật, người đông, kinh tế nông nghiệp sớm phát triển. Cư dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, cùng với nghề phụ là sản xuất tiểu thủ công nghiệp và một bộ phận nhỏ sống bằng nghề đánh bắt thuỷ hải sản. Tuy vậy đời sống văn hoá tinh thần của cư dân nơi đây không nghèo nàn, ngược lại khá phong phú và đa dạng, thể hiện rõ nét trong các lễ hội diễn ra hằng năm.

Không chỉ mang những nét chung của nhiều lễ hội, mỗi hội làng của cư dân Thái Bình lại có những sắc thái đặc thù riêng gắn với thần tích, huyền thoại của vị thần được thờ. Một trong những yếu tố góp phần tạo nên nét riêng có đó là những điệu múa dân gian đặc sắc mà nguồn cội của nó được nảy sinh từ ngay chính những sinh hoạt lao động hằng ngày như: gặt lúa, chèo thuyền, bơi trải, vớt bèo, giã gạo, hay hình ảnh của cánh chim, cánh cò bay. Mỗi điệu múa lại chuyển tải và thể hiện một nội dung khác nhau nhưng vẫn mang đậm sắc thái nông nghiệp. Có những điệu múa mang tính phổ biến trong nhiều lễ hội như: múa sênh tiền mõ lộn, múa lân, múa cờ..., có những điệu múa chỉ trong nghi thức tế thánh như: múa quạt, múa dâng hoa quả, múa kéo chữ…, lại có những điệu múa cổ chỉ gắn với nghi lễ trong một hội gắn với truyền thuyết về vị thần của làng như: múa ếch vồ, múa chèo trải cạn, múa bát dật, múa giáo cờ giáo quạt, múa ông Đùng bà Đà...

 

Sự kết hợp hài hoà giữa múa dân gian và múa tôn giáo trong tín ngưỡng tâm linh là một phát hiện độc đáo để cư dân nông nghiệp thể hiện ước vọng của mình, làm vơi bớt đi những khó khăn, vất vả trong cuộc sống hằng ngày, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, tạo niềm tin tươi sáng vào cuộc sống mới, khơi gợi tình cảm gắn bó với quê hương đất nước. Minh chứng cho những yếu tố văn hoá đặc sắc đó, có thể kể đến một số điệu múa tiêu biểu như:

 

Múa Ếch vồ và Trải cạn ở hội Chùa Keo (xã Duy Nhất, Vũ Thư) - được giải thích là những hành động gợi nhớ về nguồn gốc của thiền sư Không Lộ, qua đó phản ánh phong tục sinh hoạt của cư dân sông nước. Điểm chung ở cả hai điệu múa là đều do 12 chân kiệu chính thực hiện xếp thành hàng đôi. Nhưng trong mỗi điệu múa lại có những điểm riêng: Ở điệu múa Ếch vồ, các chân kiệu múa tay không, kết hợp giữa các tư thế đứng - ngồi tạo cảm giác giống như một buổi biểu diễn võ thuật độc đáo. Ở điệu múa Trải cạn thì mỗi chân kiệu lại cầm trong tay một mái chèo mô phỏng hình ảnh thực tiễn của một con thuyền đang lướt đi trên sông, với hình ảnh chắc khoẻ và ý chí cộng đồng gắn kết nhịp nhàng, ngầm thể hiện tinh thần mạnh mẽ và ý chí chinh phục tự nhiên của con người.

 

Múa Giáo cờ giáo quạt ở làng Thượng Liệt (xã Đông Tân, Đông Hưng), gồm hai phần: Phần 1: Tả cảnh bà Chiêu Quân đi cống nước Hồ. Phần 2: Múa hát chúc tụng vua, thể hiện trong 36 cấp múa. Mỗi cấp múa lại mang một nội dung khác nhau với tính tập thể khá cao và phải huy động một lực lượng diễn viên tham gia khá đông. Ở cấp múa Má có các động tác vạt tôm, vạt tép, chim bay, cò bay. Ở cấp múa Đi sứ có đọc bài vè kể về thân phận bà Chiêu Quân đi cống nước Hồ. Ở cấp múa Rè, Sắc ngũ phương có thêm giọng đọc róng giúp người xem hiểu thêm về nội dung cấp múa. Đặc biệt có cấp múa Chèo đò- mô phỏng động tác chèo đò trong cuộc sống thực, có thêm xướng và xô khá đặc sắc, thú vị. Cấp múa Nảy cờ là cấp múa kết thúc điệu múa Giáo cờ giáo quạt, các cô múa lần lượt đến ném cờ, ném quạt xuống giếng ở trước sân đình. Múa Giáo cờ giáo quạt vừa mang tính nghi lễ vừa đậm chất dân gian phản ánh cuộc sống lao động của người nông dân vùng đồng bằng, ca ngợi cảnh sắc và cuộc sống quê hương, lời vè, lời róng nôm na bình dị, dễ đọc, dễ hiểu, chân chất mộc mạc.

 

Múa Kéo chữ thuộc hai huyện Quỳnh Côi và Phụ Dực (cũ) là điệu múa mang tính cộng đồng thống nhất cao với sự tham gia của đông đảo cư dân, vừa mang tính nghệ thuật với các động tác vũ đạo uyển chuyển nhịp nhàng, vừa có tính thượng võ thể hiện khát vọng hoà bình và tính nhân văn sâu sắc. Ở mỗi hội làng tục múa Kéo chữ lại mang những sắc thái và hình thức khác nhau: có loại phải huy động hàng trăm người tham gia, đạo cụ là gươm, đao, giáo mác, tù và, chiêng, mõ. Các lớp múa di chuyển theo các lớp rải khung môn, chạy sắp, bổ dồn, xoáy ốc... để xếp thành bốn chữ lần lượt: Thiên - Hạ - Thái - Bình. Lại có loại múa chỉ cần 64 người chuyển từ hàng đôi sang hàng bốn rồi thành hàng tám khoan thai, uyển chuyển tay cầm đèn hoa xếp thành các chữ: Thái - Bình - Cảnh - Sắc.

 

Múa Bát dật ở Lộng Khê (xã An Khê- Quỳnh Phụ) là điệu múa mừng - có bốn hàng với mười sáu thiếu nữ, với sáu lớp múa chính là: bát dật, xe chỉ- guộn tơ, múa tiên, múa hoa hồi, múa bát môn, múa bát giác và nghi thức lễ thánh. Theo nhịp phách ả đào và bài chúc tụng cổ điển ca ngợi chiến thắng, cảnh thái bình thịnh trị và những động tác gắn với nghề nông tang của các cô thôn nữ.

 

Múa Bệt ở làng Sổ - tức làng Vọng Lỗ (xã An Vũ- Quỳnh Phụ) là tục múa võ trang bằng gậy, người múa tung gậy dài hơn 2m dọc thân người bên trái rồi bên phải, che kín toàn thân. Hai đầu gậy liên tiếp thốc từ dưới lên, thân gậy vươn dài ra trước mặt người với tốc độ nhanh dần, tính chất múa khoẻ, chắc có sức truyền cảm mạnh. Múa Bệt chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn với những quy định khắt khe đã được truyền lại từ bao đời.

 

Tục múa ông Đùng bà Đà ở hội chùa Hưng Quốc (xã Thuỵ Hải - Thái Thuỵ) ghi trong thần tích bà chúa Muối gắn với tâm thức thờ tổ nghề làm muối của ngư dân Thái Bình. Trước ngày khai hội dân làng Quang Lang phải chuẩn bị rất nhiều công việc, trong đó một công việc rất quan trọng không thể thiếu là làm một hình nộm người đàn ông (gọi là ông Đùng), một hình nộm người đàn bà (bà Đà) và một số hình nộm trẻ con tượng trưng cho con trai - gái của ông Đùng bà Đà. Thân của hình nộm được đan bằng trúc sa, mặt to bằng chiếc nia với cách vẽ rất khôi hài, dí dỏm và đáng yêu. Quần áo được may bằng vải buồm cũ. Tục múa ông Đùng bà Đà thường diễn ra vào sẩm tối. Sau khi lễ Phật, Thánh ở đền, chùa xong, tiếng chiêng trống nổi lên thì ông  Đùng bà Đà quyện vào nhau bắt đầu múa dọc các trục đường quanh làng. Để tăng thêm không khí vui nhộn và sôi động cho điệu múa, con cái của ông bà lúc thì ngó nghiêng chỗ này chỗ khác, lúc lại nhẩy cẫng lên, hay chạy ra trước, ra sau. Khi điệu múa chuẩn bị kết thúc, ông Đùng bà Đà chạy thật nhanh để dân làng đuổi theo “phá đùng” - là lúc phát huy tính cộng đồng cao.

 

Tính nhân văn và giá trị văn hoá còn lưu giữ trong những điệu múa cổ này có ý nghĩa rất lớn trong kho tàng văn hoá của dân tộc, cần phải được phát huy và bảo tồn những giá trị tốt đẹp đó bằng những dự án của nhà nước.

Nguồn: website Thái Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT