Nón làng Chuông - món quà văn hóa độc đáo
Trải qua thời gian, trong thời kỳ cả nước hội nhập, nghề làm nón của làng không mất đi mà vẫn ngày càng phát triển. Từ chỗ là mặt hàng phục vụ các bà, các chị ở làng quê, nón Chuông nay còn là mặt hàng lưu niệm mang giá trị văn hóa cho đông đảo du khách khi đến thăm Hà Nội nói riêng, việt nam nói chung.
Từ những chiếc lá cọ, lá lội được mang về từ các tỉnh trung du, miền núi, người làng Chuông phơi nắng khoảng 3-4 lần cho đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc. Đem về nhà, người thợ nón dùng lưỡi cày, giẻ hơ thật nóng để là, miết cho tấm lá thật phẳng, nhẵn mà không bị rách, giòn.
Chiếc nón đẹp hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào khâu “là” lá, có tấm lá phẳng, người thợ lấy tre, nứa làm vòng, lắp lá vào và khâu thật tỉ mỉ.
Từ xưa và đến giờ, nón làng Chuông vẫn giữ nguyên nét đặc trưng gồm 16 lớp vòng vừa bền chắc, vừa mềm mại. Khi khâu nón, người thợ xếp lá theo từng vòng nón, khâu từ vòng trong đến vòng ngoài thật đều đặn, mịn chắc. Khâu xong vòng nón là đến công đoạn cạp nón, rồi trang trí và lồng nhôi nón bằng chỉ màu rực rỡ.
Mỗi năm xuất ra thị trường 3 đến 4 triệu chiếc nón, người làm nón Chuông hôm nay còn vươn tới việc sản xuất những chiếc nón cổ, nón nghệ thuật, phục vụ cho biểu diễn hay trưng bày tại các triển lãm, hội nghị.
Chiếc nón khổng lồ có đường kính tới 3,6m; nặng hơn 15kg được chị Tạ Thu Hương - một người thợ nón tiêu biểu của làng Chuông thực hiện để giới thiệu với bạn bè quốc tế trong dịp Hội nghị APEC lần thứ 14 được tổ chức tại Việt Nam năm 2006 là một điển hình. Trong quá trình làm chiếc nón nón khổng lồ ấy, chị luôn nghĩ phải thực hiện thật hoàn hảo để góp phần khẳng định uy tín làng nghề. Với 10 cây nứa, 100 cành lá nón,1 cây tre có chiều dài 15m để làm cạp, chiếc nón đã tạo được ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế.
Không chỉ có chị Hương, ông Phạm Trần Canh, thương binh hạng 2/4, người thợ làm nón kỳ cựu của làng Chuông còn phục dựng, khôi phục lại nghề làm những chiếc nón cổ như nón quai thao. Ông Canh cho biết, một chiếc nón quai thao cổ thường phải ghép bằng 4 lọn lá được lấy từ búp của cây cọ rồi đem phơi nắng, là nóng, ép phẳng mới thành. Phía bên trong nón thường được ghép bằng những mảnh vải sặc sỡ, quai buộc nón cũng được kết bằng chỉ nhiều màu sắc.
Làm nón cổ công phu và phức tạp hơn nhiều so với làm một chiếc nón đội đầu thông thường. Từ khâu làm lá, lắp lá vào rồi khâu nón, cạp nón, trang trí… đòi hỏi người thợ phải thật kiên trì, khéo léo để chiếc nón tròn, khít, mịn từ mép lá đến đường kim mũi chỉ.
Năm 2001, ông Canh đã hoàn thiện 2 chiếc nón thúng quai thao khổng lồ có đường kính tới 2 m để tham dự triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ tại nước Đức và Cộng hòa Séc. Nghề làm nón cổ có nguy cơ thất truyền ở làng Chuông được ông Canh phục hồi giờ đây chẳng những đã giúp người thợ làng nón có thêm thu nhập mà còn góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm làng nghề.
Những chiếc nón vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm, quảng bá cho làng nghề, thể hiện tài năng của người thợ lại vừa giúp làng nghề phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.
Song hành với nghề làm nón truyền thống, làng Chuông hôm nay vẫn giữ được phiên chợ nón họp 6 phiên/tháng vào các ngày 4,10,14,20,24 và 30.
Vào mỗi phiên, chợ nón Chuông sôi động từ tờ mờ sáng với các mặt hàng liên quan đến nón như: lá cọ, lá lội, tre, nứa, chỉ màu và nón thành phẩm. Kẻ bán, người mua và cả khách tham quan trong và ngoài nước tấp nập đổ về đã tạo nên nét văn hóa truyền thống độc đáo, riêng có ở ngôi làng phía Tây Thủ đô hôm nay.
Nghề làm nón của làng Chuông sẽ mãi phát triển và phát triển mạnh mẽ - đó là lời khẳng định đầy vẻ tự hào của anh Lê Văn Tuy, một thợ làm nón trẻ ở làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai (Hà Nội) khi nói về nghề truyền thống của quê mình.
Hiện nay, anh Tuy đã là chủ của một cơ sở sản xuất nón tầm cỡ, cung cấp cho thị truờng hơn 1,5 vạn chiếc nón/tháng, tạo việc làm cho 40 lao động ở địa phương.
Nhìn anh Tuy và những người thợ làm nón trẻ trung mải mê khâu từng vành nón để kịp giao cho khách hàng đúng hạn, du khách sẽ càng thêm tin vào tương lai của nghề làm nón bình dị mà độc đáo ở làng quê này.