Lễ Vu Lan - Nét văn hóa người Việt
Vu Lan rằm tháng bảy xuất xứ từ tích truyện tôn giả Mục Kiền Liên, một vị đệ tử của Đức Phật, sau khi đắc đạo đã dùng phép thần thông tìm mẹ khắp nẻo luân hồi. Vu Lan theo thuyết nhà Phật là “giải thoát đảo huyền”, tức giải cứu những linh hồn thoát vòng trầm luân. Ở một cách nhìn khác, Vu Lan thực chất là sự kết hợp của từ bi với trí tuệ, tu và học. Chính vì vậy, lễ Vu Lan không chỉ là ngày dành riêng cho việc cầu siêu chư hương linh, ngày cúng Phật, mà còn là ngày xá tội vong nhân.
Từ tích truyện đó mà người Việt từ lâu coi lễ Vu Lan là ngày cầu cúng cho ông bà cha mẹ và thân nhân xa gần. Trong lễ Vu Lan, hình ảnh người mẹ luôn được đặt ở vị trí trung tâm của các lễ nghi thờ cúng.
Ở nước ta, từ những năm của thập niên 50 của thế kỷ trước, nhiều địa phương nhân ngày lễ Vu Lan đã tổ chức nghi thức bông hồng cài áo. Ai còn mẹ thì được gắn một bông hồng đỏ, ai không còn mẹ thì cài một đóa hồng trắng trên ngực áo. Nghi thức này như là cách thể hiện tình cảm của mỗi người để nhớ mẹ, để tôn vinh mẹ, để mừng mẹ còn tại thế và để xót xa khi nghĩ đến mẹ đã qua đời. Đây được coi là một nét văn hóa tôn vinh giá trị của tinh thần báo hiếu trong tình cảm của người Việt Nam và trở thành hình ảnh mang tính giáo dục nhân văn sâu sắc.
Và cứ vào dịp lễ Vu Lan, dù ai còn mẹ hay đã mất mẹ cũng muốn làm một việc gì đó để mẹ được vui, được hạnh phúc. Và cũng vào ngày này, mỗi chúng ta luôn tự nhủ lòng mình phải sống sao cho xứng đáng là con của mẹ để sau này nếu mẹ hiền có mất đi thì ta vẫn có thể tự hào nói rằng: Chúng con đã sống tốt, sống có trách nhiệm với quê hương, với đất nước, với đồng bào, dân tộc. “Tôi không khóc khi áo cài hoa trắng / Vì trong hoa tôi thấy mẹ tôi cười”...
Tại chùa Bảo Lâm, tỉnh Phú Yên, tất cả mọi người có mặt tại đêm hội Bông hồng cài áo đều cảm thấy giây phút này thật thiêng liêng. Bông hồng gắn ở ngực như cảm thấy được ở bên cha mẹ. Ký ức về bao nỗi nhọc nhằn, lo toan của mẹ cha suốt năm dài tháng rộng như dồn nén, ùa về trong những người con vào đêm trăng tháng 7 này.
Đêm trăng tháng 7, trong lời nguyện cầu về những linh hồn người mẹ đã mất, lời cầu an cho người mẹ còn sống, không ai không thể lắng lòng để rồi càng kính yêu những người sinh thành, nuôi dạy mình. Người ta tìm đến đêm Vu Lan bởi đây là nơi nuôi dưỡng truyền thống gia đình - một phần quan trọng trong văn hoá Việt.