Non nước Việt Nam

Hội hát trống quân Tào Khê- Đào Xá (Hải Dương)

Cập nhật: 01/09/2009 15:59:00
Số lần đọc: 2879
Đào Xá và Tào khê nguyên là hai  làng của tổng Ngọc Cục, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Đào Xá ở hữu ngạn sông Cửu Yên còn làng Tào Khê nằm ở tả ngạn (nay thuộc huyện Bình Giang).

Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa Đào Xá mở hội, dân làng đón một gánh chèo về hát ở sân đình. Khi vào hát, mới có hai nhân vật ra giáo đầu đã lăn ra, "chết ngay", các cụ cho là "Thánh vật", từ đó hội làng chỉ mời các cặp hát ca trù của Tào Khê. Có lẽ từ đó mà hai làng có mối quan hệ mật thiết.

Theo sự tích làng Tào Khê, vào thời Trịnh Sâm, có một bà phi tên là Nguyễn Thị Mỹ, con gái cụ Nguyễn Danh Quán, người làng Tào Khê, hát hay đứng đầu các ca công trong phủ chúa, chuyên dạy các cung nữ hát ca trù, được chúa ban ân tứ cho thu tiền hát xướng cửa đình của trấn Hải Dương. Năm 1780, bà qua đời, linh cữu được chuyển về quê, nơi mai táng sau này trở thành vùng đất cấm, cây cối um tùm như rừng, dân gian gọi là Mưỡu Tào. Tào Khê xưa nay nổi tiếng về hát ca trù và trống quân, thời nào cũng có nghệ nhân xuất sắc.

Hằng năm, cứ vào dịp trung thu, Tào Khê và Đào Xá lại mở hội hát trống quân qua sông Cửu Yên từ chập tối cho đến quá nửa đêm, kéo dài suốt tuần trăng. Người đến xem và nghe hát chật hai  bờ sông, phải kể đến con số hàng nghìn, đủ mọi tầng lớp. Đông nhất vào 9 - 10 giờ đêm. Bề rộng của sông Cửu Yên chỉ xấp xỉ 30m, rất phù hợp cho lối hát đối qua sông.

Tào Khê và Đào Xá là hai làng quê giữa một vùng văn hiến, quê hương của nhiều nhân tài xuất chúng, Những bài ca đối đáp có các loại: Hát chào, hát mời, hát gọi, hát đố, hát yêu đương, hát ca ngợi quê hương.

Hát trống quân là loại hát đối đáp, là một bộ phận của hát đúm, nam hát với nữ, những lứa tuổi ngang nhau hát với nhau, người ta chia ra từng nhóm, mỗi nhóm cử vài người có giọng tốt để hát, còn lại tập trung sáng tác để kịp thời đối đáp với đối phương.

Thông thường mỗi nhóm có một hai người có khả năng sáng tác, thuộc Truyện Kiều, ca dao và những truyện nôm khuyết danh để vận vào mà sáng tác. Khi vào cuộc chơi, người ta thường giao ước với nhau qua lời hát giáo đầu, tránh dùng những lời thô tục hoặc sống sượng.

 

 

 

Nguồn: Website Hải Dương

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT