Lễ Sen Dolta - Nét đẹp tín ngưỡng Khmer Nam bộ
Năm 2009, do "nhuận hai tháng 5 nên Lễ Sen Dolta được tổ chức từ ngày 16 - 18/9 (tức ngày 28/7 - 30/7 âm lịch).
Lễ Dolta ngày nay không đơn thuần là hình thức tín ngưỡng Phật giáo mà đã trở thành nét văn hóa đặc trưng trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam bộ. Theo ông Châu Kim Sêng, Phó Ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết, tập tục ngày nay đơn giản hơn.
Từ ngày 16/7 - 30/7 (âm lịch), các gia đình người Khmer Nam bộ đều tập trung vào chùa để nghe kinh Phật và cúng linh vị tổ tiên đã gửi vào đây. Các gia đình người Khmer còn kết bè bằng cây chuối, dâng lễ vật lên bè thả trôi trên dòng sông, rạch để cúng những người đã khuất.
Lễ Dolta không hình thức phô trương. Những món ăn thân thiết, gần gũi với đời thường như trái cây vườn nhà, sản vật chợ quê, nếp thơm dẻo được bàn tay khéo léo của phụ nữ Khmer chế biến thành thức ăn truyền thống như bánh tét, bánh nếp, bánh ít dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên.
Con cháu các hộ Khmer còn chuẩn bị các thức ăn, lễ vật có ý nghĩa dâng lên ông bà, cha mẹ còn sống để tỏ lòng hiếu kính.
Những ngày Lễ Dolta tại các chùa Khmer còn tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn các loại hình nghệ thuật như hòa nhạc ngũ âm, hát dì kê, múa các điệu múa Ramvong, dân tộc truyền thống… để nhân dân vui chơi, mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Khmer Nam bộ.
Dịp này, lãnh đạo Đảng, chính quyền và đoàn thể các địa phương tỉnh An Giang có đông đồng bào dân tộc Khơ-me sẽ đến gặp gỡ, thăm các chùa Khơ-me và một số gia đình tiêu biểu trong phum, sóc. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang cũng đến thăm và chúc mừng các vị sư sãi ở chùa Nam Quy (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn), chùa Ba Xoài (xã An Cư, huyện Tịnh Biên), chùa Vĩnh Thành (xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành) , chùa núi Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn)...
Ngoài các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại các chùa tỉnh còn tổ chức Lễ hội đua bò Bảy Núi.
Năm nay, tỉnh An Giang tổ chức "Lễ hội đua bò Bảy Núi mở rộng lần thứ 18" tại xã Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên), tham dự có 72 đôi bò của đồng bào Khmer thuộc huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) và huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) vào ngày hôm nay 18/9/2009.
Tại Sóc Trăng, trong ba ngày 18, 19 và 20/9/2009, cùng với gần 1,3 triệu người dân Khmer Nam bộ, gần 380.000 người dân Khmer Sóc Trăng sẽ đón lễ Đôl Ta cổ truyền trên tinh thần đoàn kết- vui tươi- phát triển.
Lễ Đôl Ta năm nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể Sóc Trăng thực hiện tốt việc chăm lo đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho đồng bào Khmer, nhất là các gia đình thuộc diện chính sách, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để mọi người cùng vui đón lễ một cách an toàn, tiết kiệm, vui tươi.
Trong những ngày lễ, các địa phương trong tỉnh có nhiều hoạt động như: Tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào Khmer vùng sâu; gắn công tác phục vụ văn hóa văn nghệ với tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tổ chức 10 đoàn thăm hỏi tặng quà, tiền cho cả 92 ngôi chùa Khmer trong tỉnh và các gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, gia đình có công, hộ nghèo, neo đơn…
Đôl Ta là lễ cúng ông, bà của đồng bào Khmer.