Làm giấy sắc: Nghề “độc nhất vô nhị” đất Hà Thành
Ông Lại Phú Thạch, người duy nhất còn biết được bí kíp làm nghề hiện nay cho biết: Nhiều người lầm tưởng nghề làm giấy sắc đã bị thất truyền do một thời gian dài không thấy xuất hiện. Nhưng vì không có khách hàng đặt mua (kể từ khi vua Bảo Đại thoái vị năm 1945), nên ở thị trường nội địa không có. Thực tế, gia tộc họ Lại vẫn làm giấy theo đơn đặt hàng ở nước ngoài, mà chủ yếu là khách hàng đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Giấy sắc có giá thành cao vì đây là loại giấy độ bền cao, có thể tới hai ba trăm năm nếu được bảo quản tốt. Tờ giấy đanh mà lại mềm mại như lụa, dai, không hút ẩm, không giòn, không bị mún…
Loại giấy này lại rất quý vì trên mỗi nét vẽ hoa văn đều có vàng mười tô điểm lóng lánh và còn quý hơn nữa còn vì đây là lộc vua, lộc nước nhuần thấm trong mỗi đạo sắc, là sự kết tinh bền vững, trường tồn của bàn tay lao động người thợ thủ công trong mỗi sợi tơ tạo nên tờ giấy.
Vật liệu để làm cũng là cây dó, nhưng phải là dó Thao (dó trồng ở vùng đất Lâm Thao-Phú Thọ). Các công đoạn kỹ thuật làm cơ bản giống như làm các loại giấy dó khác, song kỹ hơn và có thêm một số các công đoạn kỹ thuật mà các loại giấy khác không có.
Vỏ cây dó mang về được ngâm nước lã 3 ngày, ngâm nước vôi 3 ngày rồi đổ lên vạc đun 2 ngày đêm. Sau đó cho vào bể, ngâm cho nát rồi giã nhừ, bóc lấy phần ruột quẩy ra cối giã dó.
Sau đó đến công đoạn seo giấy bằng khuôn seo, trên đặt liềm seo (là loại mành rất nhỏ để lọc nước đi, giấy ở lại). Thợ seo vụ nước vào khuôn, đung đưa cho nước róc hết, lột tờ giấy ướt trên seo đặt chồng lên nhau thành xếp. Sau đó uốn đi ép cho kiệt nước, rồi bóc ra từng tờ.
Để tờ giấy thật mịn, thật dai, mỗi tờ phải nghè cho thật kỹ. Đặt tờ giấy lên hòn đá tảng, dùng chày gỗ để nghè. Hai người đàn ông khỏe mạnh, mỗi người một chầy cùng nghè lên giấy. Khi tiếng chày đanh tiếng là được.
Sau đó giấy được quét nước hoa hòe cho có màu vàng tươi. Và khâu cuối cùng là vẽ hình long, ly quy phượng lên tờ giấy sắc. Tùy theo phẩm trật mà triều đình ban tặng, tờ giấy sắc được vẽ theo một quy củ nhất định.
Sắc phong cho bách quan có ba hạng là Nhất cao sắc, Nhị cao sắc, Tam cao sắc (có tài liệu gọi là Nhất đẳng quan, Nhị đẳng quan và Tam đẳng quan). Sắc phong cho bách thần có ba hạng là Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần.
Xưa kia, loại giấy này được vua dùng để ra sắc phong cho các vị quan lại trong triều và cao hơn là cho các vị thần, thành hoàng làng. Những sắc phong này được rước về đình, đặt lên hương án để thay thần tạ ơn vua.
Sắc phong hạng nhất cho bách quan xung quanh vẽ 8 con rồng nhỏ, mặt trước vẽ 1 con rồng lớn, mặt sau vẽ tứ linh (long, ly, quy, phượng). Sắc phong hạng nhì cho bách quan xung quanh vẽ mây hoặc họa tiết hồi văn, mặt trước đôi rồng, mặt sau vẽ nhị linh (long, ly)…
Năm 2003, Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt-Nhật (VJCC) phối hợp với Viện nghiên cứu Hán Nôm, Khoa sử học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Quốc tế KIBI do Sứ quán Nhật bản tài trợ đã tổ chức hội thảo, triển lãm giấy sắc, gọi giấy sắc là tinh hoa của kỹ thuật làm giấy Việt Nam và mong khôi phục lại nghệ thuật làm giấy cổ truyền quý hiếm này.