Cháo lươn xanh Quảng Nam
Món lươn xanh được nấu bằng gạo si, một giống lúa địa phương có từ rất xa xưa, dẻo, thơm và có vị ngọt bùi rất riêng. Gạo sau khi làm sạch được nấu loãng với đậu xanh xay nhỏ một nồi riêng. Con lươn dưới đồng còn sống, bỏ vào hũ đất, cho muối sống vào chà xát nhiều lần để hết chất nhờn rồi rửa sạch bằng nước giếng. Tiếp đó, người ta bỏ ngũ tạng lươn rồi chặt từng khúc nhỏ bằng lóng tay, trộn đều với sả xắt mỏng như lá lúa với dầu phụng (dầu lạc), đậu phộng (đậu lạc), thêm chút tiêu, hành, ớt rồi um lên bằng nồi đất đậy phía trong là lá chuối non, ngoài là nắp nồi tạo nên mùi thơm cay nồng.
Cháo múc lên thật nóng rồi cho lươn um vàng vào ăn kèm với rau cải cau xanh thật tươi xắt mỏng như sợi bún cùng với đĩa ngò tây, lá hành, rau răm để riêng với một cái bánh tráng dòn tưng.
Khi ăn, người xứ Quảng có hai cách. Có người bỏ luôn một lần cải và các lọai rau, bánh tráng bẻ nhỏ vào tô cháo vừa thổi vừa xúc từng thìa đưa vào miệng xuýt xoa. Số khác thong thả bỏ từng cọng cải xanh vào từng thìa cháo để thấy vị cau cau của cải xanh, vị bùi của đậu, vị béo mà thơm nồng của lươn, vị ngọt dịu thoang thoảng mùi hương quê của cây lúa quê nhà. Nhưng tất cả đều ăn nóng và thỉnh thoảng cắn một miếng trái ớt xanh làm cho ai nấy ngồi gần thấy mà thèm muốn ăn.
Vì ăn cháo lươn với cải xanh nên người dân ở đây gọi là cháo lươn xanh. Một bát cháo lương gạo si chỉ có 10.000 đồng một bát cùng với nhấp chén rượu gạo chính hiệu ở đây vừa ngon, lại bổ mà sảng khoái tinh thần vô cùng nên đã thành câu ca: “Gạo Si mà nấu cháo lương/Trai mà không biết uổng đời làm trai”.
Cháo lươn Bình Định ngon nhất là quán của chị Trương Thị Cẩm ở thôn 4. Nhiều du khách, khi tham quan đập Phước Hà, một thắng cảnh nhân tạo của người địa phương cách đó gần 5 km, vẫn cố ghé lại quán của chị Cẩm thưởng thức món ăn chân quê bổ khoẻ, rẻ tiền và độc đáo này.