Khám phá ẩm thực Việt qua từng chặng đường
Từ các khu chợ bình dân...
Đi từ Hà Nội đến TP.HCM, Hội An và Đà Lạt, tôi cùng chồng đã đi qua nhiều khu chợ đa màu sắc, thử nhiều món ăn lạ miệng. Tôi nhớ nhất là món nem rán, làm bằng thịt lợn băm nhỏ, củ cải ngọt và đu đủ xanh, nhúng vào nước chấm pha từ các loại gia vị chanh, tỏi, ớt, nước mắm, giấm và đường.
Chúng tôi cũng thưởng thức một món nổi tiếng khác của Việt Nam là Phở. Với một bát nước xuýt có nhiều gia vị, bạn còn có thêm món giá đỗ, ớt thái nhỏ, bánh phở, tỏi, cải muối, và không thể thiếu đĩa rau sống tươi ngon.
Trong những bữa ăn, bạn chỉ có thể mỉm cười khi nhìn cái cách người Việt Nam gia nêm món ăn với những phương thức đơn giản và công cụ nấu nướng cũng giản đơn. Từ những quầy hàng ở chợ cho đến những nhà hàng cao cấp, hương vị đều sống động, khiến bạn cảm thấy rất hứng thú.
Người Việt Nam có những công thức nấu nướng những “món ăn tạp”, đó là các loại canh, súp, cá và tôm tươi, cùng với các loại rau, một chút đồ ăn chiên rán làm tăng sự thèm thuồng của chúng tôi.
Chúng tôi đã khám phá ra các hương vị mới. Chẳng hạn như tôi từng trồng bí ở vườn nhà nhiều năm nhưng tôi lại không biết rằng, có thể xào ngọn bí với nước mắm và tỏi đập dập, rất thú vị.
Người Việt Nam trồng nhiều loại lê và coi chúng là món ăn tráng miệng. Ở Đà Lạt, chúng tôi được ăn món lê trộn với sữa đặc có đường, giống như kem. Sau khi ăn thử rau muống giòn và có mùi thơm, tôi ước ao giá như mình cũng có loại rau này ở khắp vườn.
Các món ăn được làm mới lại mỗi ngày với nhiều vị khác nhau, mặn, ngọt, cay, giòn và mịn. Sau khi ăn món cá bọc lá chanh, bạn có thể uống đồ làm từ tỏi xanh, rau húng quế, gừng, bạc hà, chanh, muối, và rau mùi tươi, hoặc món kem bồi bổ sức khoẻ làm từ quả lê và lá atiso.
Đến các nhà hàng
Trong 10 ngày ở Việt Nam, chúng tôi đã dạo quanh nhiều nơi để thưởng thức các món ăn lạ miệng. Có 3 nơi đáng nhớ nhất, đó là La Vertical, Chả cá Lã Vọng và Quán Ăn Ngon.
La Vertical với màu sắc của 5 mùa
Bữa ăn cuối cùng của chúng tôi ở Việt Nam là với Didier Corlou, một người Pháp quản lý nhà hàng La Verticale. Nằm trong một toà biệt thự cao và hẹp từ những năm 1930 ở Hà Nội, nhà hàng có không gian tràn ngập màu sắc. Có 5 màu là xanh, vàng, đen, trắng và da cam, biểu tượng của 5 mùa, xuân, hè, thu, đông và thời điểm giao mùa, một thời gian 21 ngày giữa các mùa chính.
Đó là một nơi vui vẻ, sôi nổi và riêng tư, nơi ông Corlou có cách nấu ăn tuyệt vời, kết hợp văn hoá ẩm thực của Pháp và Việt Nam, đặc biệt chú trọng “mùa nào thức nấy” của từng địa phương. Đồ ăn của ông ta đơn giản, ngẫu hứng và thuần thục.
Sự sáng tạo của ông ta bằng cách kết hợp đa dạng các món đã làm nên nhiều món mới, như món súp cà chua lạnh cùng một muỗng hạt tiêu đen làm món tráng miệng, sườn cừu non bọc với mật ong, món nộm cá và rong biển, nem cua và nấm. Mọi thứ trên đĩa hay trong bát đều có thể nhận ra là được làm từ nguyên liệu gì, rất tươi ngon.
Ông Corlou, một đầu bếp có thâm niên tại Khách sạn Metropole tại Hà Nội, hiện làm ông chủ cửa hiệu ở tầng trệt rất độc đáo. Ông ta tìm ra những hương vị ngon nhất của quế, nghệ, ớt, gừng, vừng trắng và đen ở khắp Việt Nam và tạo nên công thức riêng, làm nên vô số những món "độc quyền".
Chả cá Lã Vọng
Đây là món mà bất cứ một người sành ăn nào khi đến Hà Nội đều phải biết đến. Duy nhất trên thế giới, chả cá Lã Vọng có thể so sánh với bánh croaxăng ở Paris, cơm Italia ở Milan, thịt lợn nướng Carolinas hay món ăn mặn của Tây Ban Nha.
Nhà hàng nằm trên phố Chả Cá ở Hà Nội, là một góc phố cổ có từ năm 1871, chỉ phục vụ một món. Một món thơm phức của cá lăng, chiên ngập dầu trên một chiếc bếp được đặt giữa bàn, cùng với những gia vị tươi ngon khác của Việt Nam.
Đến đây bạn sẽ thấy một đám đông, khiến cho bàn ăn trở nên náo nhiệt, ồn ào tiếng cười nói. Họ cùng nhấm nháp bia Halida, cùng các loại rau thơm và món phụ khác. Khách đi qua đi lại cầu thang yếu ớt để đến các phòng ăn giản dị. Chỉ có một món mà nhà hàng đông như rạp hát.
Khi bạn ngồi xuống, người phục vụ sẽ bày ra bát, đũa, đĩa bún ăn chung, đĩa hành tươi, lạc chiên, rau mùi, bát nước chấm được trang trí với ớt tươi và rau thì là. Tiếp theo, họ mang đến với một lò than củi, trên đó là chiếc chảo méo mó bằng nhôm với dầu đang sôi và những miếng cá vàng. Anh ta đổ hành tươi, thì là vào và chiếc chảo sôi lên.
Rồi bạn bắt đầu làm quen với bát đũa để thưởng thức món ăn. Đặc biệt, tôi nhận ra là, sau một tuần ở Việt Nam, tôi đã nghiện món lạc chiên, giòn tan, mặn và béo ngậy, tôi đã nghiện suốt nhiều tuần khi trở về Paris.
Quán Ăn Ngon
Đây là nơi chúng tôi cũng có ấn tượng đặc biệt. Một bữa trưa tại một nơi bán lộ thiên, một quán ăn giống như nhà hát ở TP.HCM.
Nhà hàng cố tạo nên không gian chợ mở của Việt Nam, với những gian hàng ăn riêng rẽ, xếp quanh khu nhà. Khách có thể đi dạo từ chỗ này sang chỗ khác, xem một cô gái đang gói nem một cách khéo léo, xem cách làm một suất nem cuốn từ mực, rau và hành, hoặc băn khoăn khi thấy họ làm món bánh cuốn rất mỏng, cuộn với nhân tôm và thịt lợn.
Thực đơn, có vẻ rất nhiều món, nhưng không phải là đồ “còn tồn lại” từ trước, mà đều được nấu theo yêu cầu của bạn. Những món ngon nhất tôi nhớ là tôm nướng, món cuốn với rau thơm, hoa quả, cá và giá đậu, chấm với nước mắm cay, nem ròn với rất nhiều rau thơm.
Chuyến đi khá là thành công, duy có một điều tôi vẫn tiếc khi rời Việt Nam. Là khi ra đến sân bay, tôi đã không được phép mang về mấy chai nước mắm Phú Quốc nổi tiếng của đất nước này.