Làng văn hóa Cơ Tu – Nơi bảo tồn nguyên vẹn những giá trị văn hóa các dân tộc
Nằm trên một ngọn núi thấp, diện tích gần 5 hecta nhìn xuống phía dưới là trung tâm hành chính huyện. Làng văn hoá là quần thể gồm 12 nhà truyền thống của người Cơtu với 10 nhà sàn, 01 nhà gươl và một nhà dài. Các nhà được bố trí theo hình bầu dục đối diện với cây neo đâm trâu chính giữa. Nổi bật nhất là ngôi nhà gươl nằm ở vị trí trung tâm được chạm trổ các hoạt cảnh mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Cơtu, cùng ảnh của nhiều thế hệ lãnh đạo huyện Tây Giang qua các thời kỳ được treo trang trọng trên các vách. Bên trong nhà hiện đang trưng bày 2 trống đồng cổ của người Cơtu xưa được người dân tại xã biên giới Axan phát hiện trong lúc đào đất. Cách nhà gươl không xa là ngôi nhà dài 30m với sức chứa gần 200, được chuyển từ thôn Atu xã Ch’Ơm về, ngôi nhà có chức năng như là nơi quần tụ của nhiều thế hệ người Cơtu trong cộng đồng gia tộc xưa. Các nhà sàn còn lại có kiến trúc và kích thước tương đối giống nhau mô phỏng hình dáng các nhà sàn truyền thống đồng bào dân tộc, đây là kết quả sự đóng góp công sức của 10 xã trong huyện vào làng văn hóa.
Theo ông Bling Biên trưởng phòng Văn hóa huyện Tây Giang thì Làng văn hóa ra đời với mục đích lưu niệm và bảo tồn nguyên vẹn các kiểu kiến trúc nhà ở truyền thống người Cơtu cùng các giá trị văn hóa của dân tộc này. Từ khi hoàn thành đến nay đã diễn ra nhiều sự kiện văn hóa lớn của huyện như: Đại hội văn hóa, thể thao kỷ niệm 5 năm ngày tái lập huyện; gặp mặt các già làng, trưởng bản tiêu biểu; gặp mặt các văn nghệ sĩ, các cụm trưởng nước bạn Lào.... và mới nhất, tháng tám vừa qua trong dịp huyện Tây Giang tổ chức ngày hội đoàn kết các dân tộc, tại Làng văn hóa đã diễn ra hội trại giao lưu của nhân dân 11 xã và lễ đâm trâu, lễ ăn mừng lúa mới... thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Cuối năm 2009 dự án nâng cấp phục dựng Làng văn hóa Cơtu giai đoạn II sẽ được lập, trình phê duyệt để tiếp tục triển khai hoàn chỉnh. Giai đoạn này dự án tập trung vào các hạng mục như trang trí hoa văn, điêu khắc bên trong các ngôi nhà, phục dựng nhà mồ, nhà kho, chum, nhà giữ lúa và đưa các nghề truyền thống của người Cơtu như đan lát, dệt thổ cẩm... cùng các nghệ nhân vào sản xuất trong Làng. Bên cạnh đó, cũng sẽ đưa đội thông tin văn hóa, đội cồng chiêng Tây Giang vào hoạt động thường xuyên nhằm phục vụ cho các sự kiện văn hóa, thể thao của huyện.
Dự án hoàn thành bên cạnh việc bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Cơtu sẽ là một mô hình làng tiêu biểu với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phục vụ cho các hoạt động du lịch trong tương lai. Cùng với khu du lịch BơHôồng (xã Sông Kôn