Về Ninh Lai (Tuyên Quang) nghe hát Soọng cô
Cũng mang nét đặc trưng như trong hát then, hát lượn của dân tộc Tày, hát sli của dân tộc Nùng, hát Soọng cô là làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc Sán Dìu. Xã Ninh Lai có hơn 70% dân số là dân tộc Sán Dìu sinh sống nên phong trào hát Soọng cô ở đây rất sôi nổi. Khi lúa đã gặt xong, thóc ngô đã đầy bồ, già trẻ, gái trai từ thôn Ninh Phú, Hợp Hoà đến Ấp Mới rủ nhau đi hát. Qua mỗi nhà, số người hát và nghe hát nhập vào đoàn hát ngày càng đông. Nghe và hát thâu đêm suốt sáng.
Ông Đỗ Văn Hương, thôn Ninh Bình, nghe hỏi đến Soọng cô thì say sưa kể như đó là niềm tự hào của dân tộc mình. Nhấp một ngụm nước chè, mắt nhìn về phía xa xăm, ông cất lời hát bài hát thời trẻ. Lời hát rằng: “Anh ngồi bên thác cao/ Nhớ em dòng nước tuôn trào không vơi/ Em giờ mười tám đôi mươi/ Lòng em có mở về nơi người chờ…”. Năm nay đã 65 tuổi nhưng giọng hát của ông vẫn ngân nga, mượt mà lắm! Ông Hương cho biết, ông và bà Hoàng Thị Sửu vợ ông nên duyên từ những đêm đi hát Soọng cô. Ông nói: “Trước đây con trai không biết hát Soọng cô thì không đi tìm hiểu các cô gái được đâu”.
Không biết Soọng cô có từ khi nào, nhưng ở xã Ninh Lai, làn điệu Soọng cô được dân làng truyền tụng từ một câu chuyện đã lưu truyền từ đời này sang đời khác. Có một cô gái tên là Lý Tam Mói thông minh, xinh đẹp, hát đối rất giỏi. Thanh niên trong làng chưa có ai hát đối lại được cô. Một ngày kia, có ba chàng trai mang theo ba chiếc thuyền chở các bài hát đối không rõ từ xứ nào muốn tìm gặp cô gái để thử tài. Gần đến nơi, họ nhìn thấy một cô gái đang gánh nước bên bờ sông. Ba chàng bèn hỏi thăm tới nhà cô Lý Tam Mói. Cô gái liền nói với ba chàng trai, mình chính là em gái của Lý Tam Mói, rồi ra một câu hát đối, nếu ba chàng đối lại được thì cô sẽ chỉ đường. Nhưng ba chàng trai tìm tất cả các sách trên thuyền mà không đối lại được, thất vọng quay thuyền trở về. Từ đó, cô gái bỗng sinh buồn rầu, luyến tiếc vì đã không mời ba chàng trai vào thăm bản. Ngày ngày, cô ra bến sông trông về nơi xa và nhẩm hát những bài hát mang âm điệu da diết, khắc khoải, mong chờ, lời lẽ như hờn trách ai đã vô tình. Những bài hát của cô được dân làng thuộc và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Từ đó mà có làn điệu Soọng cô.
Hát Soọng cô bao gồm các hình thức đối đáp giao duyên, hát ru, hát chào hỏi, hát mời khách, hát tiễn khách. Mọi sinh hoạt đều được nhân dân ứng tác thành các câu hát mang đậm lối hát Soọng cô.
Xã Ninh Lai có 20 thôn thì có tới 17 thôn thường hát Soọng cô. Nhưng hát hay và hát được nhiều thì chỉ có người trên 45 tuổi, giới trẻ biết hát nhưng số này không nhiều. Ông Chủ tịch UBND xã Ninh Lai cho biết, để giữ gìn và bảo tồn điệu hát Soọng cô, trong tương lai, xã sẽ thành lập một câu lạc bộ hát Soọng cô, hằng năm sẽ tổ chức cho các thôn thi hát và mở các lớp dạy hát làn điệu này cho đoàn viên, thanh niên trong xã.
Rời xã Ninh Lai, làn điệu Soọng cô vẫn dặt dìu, ngân nga trong tôi như dòng sông Phó Đáy muôn đời chảy mãi trong tâm hồn người dân tộc Sán Dìu ở Ninh Lai.