Non nước Việt Nam

Hát then, Đàn tính - Di sản nghệ thuật truyền thống độc đáo

Cập nhật: 15/10/2009 10:10:52
Số lần đọc: 4942
Là một di sản nghệ thuật truyền thống độc đáo của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lạng Sơn….và một số ít ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, then được lưu giữ, phát triển thành một không gian văn hóa hát then – đàn tính hết sức đồ sộ về khối lượng, phong phú về thể loại, đa dạng về hình thức biểu diễn. Cùng với sự phát triển của các tộc người trong quá khứ và hiện tại, then mang dấu ấn nền văn minh nhân loại.

Hát then, đàn Tính - “đặc sản văn hóa dân gian” vùng cao phía Bắc. Trải qua thời gian, điệu hát Then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu là linh hồn trong đời sống văn hóa của bà con nơi đây. Nhưng để điệu hát Then phát triển đến ngày hôm nay, một phần lớn nhờ công của những con người đã gìn giữ, thổi hồn vào điệu hát Then độc đáo này. Theo quan niệm dân gian, Then có nghĩa là Thiên, Thiên tức là “trời”, được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, trong đời sống của người Tày cổ, nó được dùng trong những sự kiện trọng đại hay lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn…Đồng bào Tày quan niệm, những điệu then giúp gửi lời cầu khấn đến nhà trời.

 

Bắc Kạn cũng là một trong những nơi nghệ thuật hát then, đàn tính được bảo tồn và phát triển. Ở mỗi vùng làn điệu Then lại có những nét độc đáo riêng: Then Lạng Sơn dìu dặt tha thiết, Then Tuyên Quang dồn dập như thúc quân ra trận, Then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng một, Then Bắc Kạn như chuyện kể thầm thì...

 

Trong hầu hết các trình văn hóa, nghệ thuật quần chúng Bắc Kạn, tiếng đàn tính, câu hát then là một trong những tiết mục không thể thiếu. Nhưng nói đến việc bảo tồn hát then, đàn tính ở Bắc Kạn thì đầu tiên phải kể đến các nghệ nhân, như ông Lưu Đình Bạo một nghệ nhân cao tuổi xã Dương Quang, thị xã Bắc Kạn, người đang giữa một kho tàng Then cổ. Việc lưu truyền loại hình Then bản địa, ông Bạo hiện đã truyền lại cho 2 người con trai trong gia đình những bài Then cổ truyền thống và đặc sắc nhất, trong gia đình ông đã 8 đời theo nghề hát. Hầu hết những bài Then phổ biến mà ông vẫn thường sử dụng chính là sản phẩm mà được truyền lại từ thế hệ đi trước.

 

Cán bộ ngành văn hoá ở tỉnh Bắc Kạn đều biết  đến ông Ma Văn Vịnh - người thôn Phiêng Giường, xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn,  người có công gìn giữ nhiều bài then Tày cổ. Hiện nay, kho tư liệu then của ông đã có hơn 100 bài. Trong đó có những bài quý hiếm của lễ Lẩu then (lễ cấp sắc của nhà then), then Đệ cộ. Ông đã sưu tầm được 36 kiểu hát then, một số bài có thể hát theo nhiều kiểu. Người già tìm đến Câu lạc bộ then bản Tinh  để nói chuyện với ông, lũ trẻ trong thôn, bản tìm đến ông để học đánh đàn tính và hát then. Ông Vịnh còn là một nghệ nhân làm đàn nổi tiếng. Trong hai năm gần đây, ông đã làm trên 200 cây đàn tính, sản phẩm  làm ra không đủ bán.

 

Nhằm lữu giữ và phát huy nghệ thuật của hát Then, đàn Tính, Sở VH - TT và DL Bắc Kạn đã tổ chức mời các nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy loại hình nghệ thuật này cho thế hệ trẻ. Các cấp, ngành và nhân dân Bắc Kạn tiếp tục duy trì nghệ thuật này không chỉ trên sân khấu mà còn diễn trong ngày lễ tết, tổ chức cầu an, cầu may, chúc thọ… Đồng thời, tỉnh còn gắn hát Then - đàn Tính với làm du lịch, vừa góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giúp đồng bào có công ăn việc làm cải thiện cuộc sống, vừa tăng thêm phần hấp dẫn đối với du khách khi đến với Bắc Kạn.

Nguồn: website Bắc Kạn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT