Non nước Việt Nam

Festival lúa gạo Việt Nam 2009 sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội

Cập nhật: 28/10/2009 14:08:54
Số lần đọc: 2737
Festival đang đến rất gần và được tính từng ngày. Vì là lần đầu tiên tổ chức, nên Hậu Giang đã chuẩn bị nhiều lễ hội, nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa của Hậu Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung, mang đến cho người xem những cảm nhận khác nhau. Điểm nhấn của các lễ hội chính là tái hiện được nét văn hóa đặc trưng, tính cách con người vùng sông nước qua các lễ hội: ẩm thực, đua ghe ngo, tái hiện chợ nổi trên sông, hội thi duyên dáng áo bà ba...

Liên hoan đờn ca tài tử được tổ chức trong khuôn khổ Festival lần này có sự tham gia của 15 tỉnh, thành phía Nam: Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng và Hậu Giang. Các đội sẽ vừa thi, vừa phục vụ tại các điểm sân khấu ngoài trời trong khu vực tổ chức Festival. Trong phần thi, mỗi đội sẽ tham gia hai phần hòa đờn và hòa ca. Nét đặc sắc cũng như sức sống trường tồn của loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Nam bộ sẽ được tái hiện lại trên sân khấu, trong một không gian được dàn dựng rất đặc thù để người xem được sống trong không khí thật sự của một buổi sinh hoạt tài tử của nông dân sau những giờ nhàn rỗi. Các đội tham gia được tuyển chọn là những nghệ nhân hay nhất của các tỉnh, thành, từng tham gia nhiều hội thi cấp khu vực, toàn quốc, hứa hẹn sẽ tạo dấu ấn trong lòng người xem, đồng thời tạo nên chất lượng thật sự cho một hội thi.

 

Lễ hội hấp dẫn tiếp theo là ẩm thực và tái hiện chợ nổi trên sông. Lễ hội ẩm thực lần này có khoảng 70 gian hàng giới thiệu trên 120 món ăn khắp các vùng, miền, những món ăn dân dã, làm từ gạo... Qua lễ hội đa dạng và phong phú này, mọi người sẽ thích thú và lựa chọn cho mình những món ăn vừa ý, qua đó, thấy được sự khéo léo của ông bà mình khi đã biết “biến tấu” từ vật liệu đơn giản để trở thành những món ăn ngon. Đặc biệt, qua bàn tay chế biến của các đầu bếp tại lễ hội, các món ăn sẽ càng đậm đà, hấp dẫn hơn, mang đậm hương vị của từng vùng, miền. Còn “Tái hiện chợ nổi trên sông”, sẽ đưa mọi người đến một nét đẹp khác, chỉ có ở vùng ĐBSCL. Chợ nổi trên sông là hình thức mua bán đặc thù. Có khoảng 40 ghe với nhiều hàng hóa phong phú, như cây giống, cây kiểng, nông sản do nông dân trực tiếp sản xuất và mang đến bày bán. Trên những chiếc ghe chở hàng đó đều có treo trên cây bẹo hàng, như một cách quảng bá sản phẩm dân dã. Ngoài ra, trong chương trình còn có lồng ghép đờn ca tài tử trên sông, đưa mọi người trở về với không gian mang đậm chất dân dã của vùng đất và con người nơi đây. Cùng với các lễ hội trên, đua ghe ngo, một sân chơi độc đáo, hấp dẫn, chỉ có ở những vùng sông nước và có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, sẽ hứa hẹn sự tranh tài quyết liệt, hấp dẫn. Lần này, có sự tham gia của 18 đội đến từ các tỉnh trong khu vực như: Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng... Riêng đội chủ nhà Hậu Giang lần này tham dự với lực lượng hùng hậu: 6 đội. Hiện tại, các đội này đang ráo riết tập luyện với tinh thần rất cao, hứa hẹn sẽ mang đến cuộc thi những pha gay cấn, bứt phá ngoạn mục.

 

Bên cạnh sự đa dạng của hoạt động trên, tại Festival còn có hội thi duyên dáng áo bà ba, triển lãm ảnh nghệ thuật có sự tham gia của đông đảo tay máy chuyên và không chuyên trong cả nước, triển lãm hệ thống tượng và một số chương trình văn nghệ có sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế... Ngoài ra, trong những ngày diễn ra Festival, nếu mọi người muốn ngắm cảnh Hậu Giang để hiểu thêm về đất và người nơi đây, thì chọn tua tham quan trên thuyền du lịch. Mọi người sẽ được thư giãn, được lênh đênh trên sông nước, thưởng thức những món ăn đặc sệt Nam bộ, nghe rao và hòa ca những câu vọng cổ ngọt lịm, ghé thăm những địa chỉ đỏ dọc trên tuyến kênh xáng Xà No. Tất cả mọi thứ đang được chuẩn bị chu đáo, hứa hẹn sẽ mang lại sự mới lạ, độc đáo, tạo dấu ấn khó quên trong lòng mọi người.

 

Nguồn: Website Hậu Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT