Nón ngựa Phú Gia (Bình Định)
Xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định là một trong 13 địa phương của cả nước được công nhận Làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam. Chỉ trên địa bàn của một xã, nhưng có đến 3 nghề truyền thống nổi tiếng tập trung, trong đó nghề làm nón ngựa ở thôn Phú Gia là lâu đời nhất.
Thời hiện đại với nhiều loại mũ, nón hợp thời trang đã có lúc làm điêu đứng nghề nón ngựa; nhưng hiện nay, nó đang được phục hồi bởi sự quan tâm của nhà nước đối với nghề truyền thống của cha ông; hơn thế, những chiếc nón ngựa chỉ có ở vùng đất võ đã và đang trở thành sản phẩm du lịch độc đáo níu chân du khách.
Ông Đỗ Văn Lan, Trưởng làng nghề nón ngựa Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định cho biết: “Làng nón ngựa mỗi khi mở Festival, du khách nước ngoài, đặc biệt là du khách Pháp đã đến, họ thích nón này lắm. Đài báo cũng tôn vinh cái nghề này, họ nói về Làng văn hóa du lịch của làng nón chúng tôi...”
Làm nón ngựa phải trải qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn có một nhóm người làm theo hình thức chuyên môn hóa. Tuy thu nhập không cao, nhưng nghề này đã giải quyết được việc làm lúc nông nhàn cho người lao động, giúp họ có thêm khoản chi phí cho cho gia đình. Quan trọng hơn, nghề nón ngựa truyền thống đã được khôi phục và trong tương lai sẽ là điểm đến của Làng văn hóa du lịch Cát tường, tỉnh Bình Định.
Bà Trần Thị Giao, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định nói: “Nghề này tỉ mỉ lắm, nghề có từ lâu đời, mình phải chỉ cho con cháu làm để nối nghề trở lại”.
Kể từ khi Festival Bình Định được tổ chức hàng năm, lượng du khách nước ngoài tìm đến tham quan và đặt mua sản phẩm ngày càng nhiều, họ rất thích thú và khen ngợi bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công ở làng nón Phú Gia; còn người làm nón thì ước ao Cát Tường sẽ trở thành điểm du lịch thực sự để người làm nón có thị trường rộng mở, có thể sống được bằng nghề.